Top

Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM: Chúng tôi cũng muốn một giấy cho nhà, đất

Cập nhật 09/12/2008 01:05

Mẫu giấy thành phố đề xuất là mẫu bằng khoán trước năm 1975.

Một lần nữa, câu chuyện giải quyết những rối rắm trong giấy tờ nhà, đất lại được khơi lên nhưng theo hướng tích cực hơn khi hai bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng ngồi lại với nhau và đồng ý cơ quan cấp giấy sẽ quy về một mối là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cái gốc của vấn đề là phải có một đầu mối cơ quan quản lý và một mẫu giấy chung cho cả nhà và đất thì vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, Hà Nội đã “xé rào” cấp một giấy cho đất và tài sản gắn liền với đất. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về cách làm của Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - ông Đào Anh Kiệt (ảnh) nói: Ý tưởng thống nhất một giấy cho nhà, đất của Hà Nội rất tốt. TP.HCM cũng rất cương quyết ý tưởng một giấy và đã kiến nghị kiên trì trong hai năm nay nhưng chưa được phản hồi.

Thửa đất ví như cái hộc bàn

* Những nội dung cụ thể trong kiến nghị của TP về một giấy tờ nhà, đất là gì, thưa ông?

+ Theo tham mưu của Sở thì giấy cấp cho nhà, đất phải đảm bảo yếu tố ổn định. Giấy cấp ra để quản lý đất đai và những tài sản đi theo. Trong hai loại tài sản đó thì đất là tài sản ít biến động hơn nhà. Vì vậy, lấy đất làm gốc để cấp giấy, còn những tài sản trên đất biến động nhiều hơn thì sẽ được ghi nhận sở hữu và dễ ghi chú tăng thêm hoặc bớt đi mỗi khi biến động. Ta có thể ví đất như một hộc bàn, trong hộc bàn để những vật dụng gì thì được ghi danh sách trên đó. Những vật dụng này đã có hóa đơn mua hàng ghi tên người sở hữu rồi, không cần phải cấp cho mỗi vật dụng một giấy chứng nhận sở hữu riêng. Nếu nay mai muốn thay đổi các vật dụng trong hộc bàn thì ta ghi chú lại.

Ở đây cần xác định là phải có chứng nhận quyền sở hữu nhà nhưng không phải là cấp thêm một loại giấy cho nhà. Người dân có quyền sử dụng đất hợp pháp, xin phép xây dựng và hoàn công thì xem như họ đã có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh họ là chủ nhà.

Nhầm lẫn đối tượng quản lý

* Với quan điểm như trên thì mẫu giấy mà TP.HCM kiến nghị trung ương cấp chung cho nhà, đất là mẫu giấy nào?

+ Không có mẫu giấy nào theo quy định hiện hành đáp ứng được những tiêu chí của một giấy. Hai mẫu giấy theo Luật Nhà ở và Nghị định 181 (“giấy hồng”, “giấy đỏ”) đều có nhiều khiếm khuyết. Bởi vì đối tượng cần quản lý là đất và nhà chứ không phải là người sử dụng đất, người sở hữu nhà nhưng hai mẫu giấy trên đều chú trọng đến người sử dụng, người sở hữu và đưa tên người ra trước, còn phần quan trọng nhất là vị trí của thửa đất (số thửa, số tờ...) thì lại đưa vào bên trong.

Hình vẽ sơ đồ thửa đất trên “giấy đỏ” gắn liền với giấy nên khi tách thửa, nhập thửa phải thay luôn giấy chứ không cập nhật hay chỉnh sửa gì trên giấy được. Hơn nữa, “giấy hồng”, “giấy đỏ” hiện chỉ có bốn trang, không đủ sức chứa lượng thông tin cần tải của thửa đất. Để ghi đầy đủ thì cần thiết kế mẫu giấy như một quyển sổ. Tôi nghĩ mẫu giấy như bằng khoán trước năm 1975 là phù hợp. Chính vì thế mà chúng tôi muốn kiến nghị sửa luật để có một mẫu giấy hoàn chỉnh hơn chứ không phải là mẫu “cải cách rón rén” như của Hà Nội hiện tại.

* Hiện tại, có một số quận, huyện tại TP.HCM ghi nhận tài sản trên trang bổ sung của “giấy đỏ” chứ không cấp “giấy hồng”. Như vậy có sai so với Quyết định 54 hướng dẫn cấp “giấy hồng” theo Luật Nhà ở của UBND TP?

+ Đối với tài sản trên đất (nhà ở chẳng hạn), người dân có quyền lựa chọn xin cấp “giấy hồng” hoặc đề nghị ghi nhận tài sản vào “giấy đỏ”. Nếu tôi làm cán bộ thừa hành, tôi cũng sẽ khuyên người dân ghi nhận tài sản trên đất. Thủ tục ghi nhận tài sản trên đất nhanh mà lại không làm giảm giá trị tài sản, vừa tiện cho việc ghi nhận thay đổi sau khi giao dịch.

* Cám ơn ông.




“Giấy đỏ” mới của UBND TP Hà Nội, chứng nhận quyền sở hữu
tài sản gắn liền với đất thay vì chỉ ghi nhận tài sản gắn liền
với
 đất như “giấy đỏ” hiện nay. Trong ảnh: Mặt trước và mặt sau
“giấy đỏ”. Ảnh: Hoàng Vân.


Phó Chủ tịch Hà Nội - ông Nguyễn Hồng Khanh:

Chưa ai yêu cầu cấp “giấy hồng”

Cách làm của Hà Nội - cấp một giấy cho cả nhà và đất là để phục vụ người dân một cách tốt nhất và cũng không hẳn là trái với yêu cầu của pháp luật hiện hành. Bởi vì việc cấp một giấy cho đất và nhà chỉ thực hiện với những trường hợp nhà gắn liền với đất. Mặt khác, gia đình nào có nguyện vọng làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (“giấy hồng” theo Luật Nhà ở) thì TP vẫn cấp giấy riêng. Tuy nhiên, từ khi có quy định này, không thấy người dân nào đến ủy ban để yêu cầu cấp riêng “giấy hồng” này cả.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp - bà Nguyễn Thúy Hiền:

Chờ Luật Đăng ký bất động sản

Hà Nội quy định như vậy là căn cứ vào Nghị quyết 07 năm 2007 của Quốc hội. (Trong nghị quyết này Quốc hội yêu cầu “thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên cơ sở Luật Đất đai, giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện” - PV) Cải cách thủ tục hành chính như vậy là tốt cho người dân nhưng việc thống nhất cấp một giấy cho đất và nhà mà chỉ dựa vào nghị quyết của Quốc hội là có “gợn” một chút về mặt pháp lý.

Nếu Luật Đăng ký bất động sản được Quốc hội xem xét thông qua thì đây sẽ là cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thống nhất một giấy cho cả đất và nhà. Cụ thể là luật này sẽ quy định chỉ còn một giấy cho nhà đất. Giấy này ghi chủ quyền về đất đai và tất cả quyền liên quan đến tài sản gắn liền với đất như nhà ở, công trình xây dựng, vườn cây lâu năm, rừng... Hệ thống văn phòng một cửa thuộc cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ là đầu mối thực hiện việc đăng ký.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng - ông Nguyễn Điểu:

Chưa cần thiết phải ban hành luật mới

Thay vì ban hành một đạo luật độc lập về đăng ký bất động sản, cấp trên nên rà soát những vướng mắc trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở để sửa đổi, bổ sung ngay những quy định chưa phù hợp trong các văn bản này.

Việc Hà Nội cấp “giấy đỏ” mới cho cả nhà và đất đã tận dụng các ưu điểm của “giấy đỏ” và “giấy hồng” hiện hành, nhìn vào giấy có thể đọc tường tận lý lịch của bất động sản đó. Cách làm này chắc chắn sẽ được lòng dân. Đà Nẵng hiện nay cũng đang thực hiện cấp một giấy cho các nhà đầu tư lớn khi đầu tư vào TP để xây dựng và bán các căn hộ chung cư.


Theo Quyết định số 23 ngày 9-5-2008 của UBND TP Hà Nội, TP sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho bất động sản. Cụ thể là tài sản trên đất như nhà, xưởng, rừng hoặc vườn cây lâu năm sẽ được ghi nhận trên trang III của giấy chứng nhận. Nếu có những biến động về chủ sở hữu, về tài sản gắn liền với đất thì được ghi nhận trên trang IV chứ không phải làm lại giấy mới.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP