Thế giới lấy ngày 3-12 làm Ngày Quốc tế Người khuyết tật, nhắc nhở cộng đồng quan tâm bộ phận dân cư ít may mắn do suy yếu thể chất. Đây là nghĩa vụ mang tính nhân văn.
Việt Nam, nơi từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh và còn nghèo khó, đang có số người khuyết tật khá cao so với nhiều nước. Tuy vậy, hầu như tất cả các công trình công cộng đều chưa có những tiện ích dành cho họ. Mãi khi đến Canada mới hiểu thiết kế văn minh Quy chuẩn về nhà ở, công trình công cộng dành cho người khuyết tật đều đã có trong Luật Xây dựng, nhưng ít được các nhà thiết kế, chủ công trình quan tâm, thậm chí cố tình tránh né. Mặt khác, cơ quan quản lý xây dựng cũng chưa thật nghiêm túc trong việc thanh tra, giám sát chúng.
Cách đây không lâu, gặp một số bạn bè quốc tế bị khuyết tật đang công tác thiện nguyện ở nước ta, biết tôi là dân kiến trúc, họ tâm sự là rất ngỡ ngàng khi thấy hầu hết công trình công cộng của ta (gồm cả những công trình hiện đại mới xây cất) hầu như không có các tiện nghi tối thiểu dành cho người khuyết tật. Ví như không thấy có đường dốc, nhà vệ sinh, chỗ đậu xe dành riêng cho họ. Các bạn cho rằng nước ta nay không thua kém gì Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hồng Kông..., vậy mà tại sao người ta thực hiện nghiêm chỉnh các điều đó, còn ta thì không? Các bạn đều nghĩ rằng chính nước ta mới là nơi cần quan tâm trước hết đến tiện ích cho người khuyết tật vì tỉ lệ người khuyết tật khá cao sau chiến tranh.
Vấn đề thiếu quan tâm đó phải chăng bắt nguồn từ khâu đào tạo và ý thức về đời sống văn minh của người mình? Thú thật, bản thân tôi trước kia khi thiết kế một công trình nào đó cũng chưa mấy quan tâm đến vấn đề này, do thời chúng tôi không được học hoặc không có ai nhắc nhở khi còn ngồi ở ghế nhà trường lẫn ra đời làm nghề. Chỉ khi đến Canada gần 20 năm trước, nhân lãnh thiết kế một ngôi chùa, hồ sơ nộp lên cứ bị sở quản lý đô thị bác mãi, vỡ lẽ mới biết là do bản thiết kế thiếu lối đi có độ dốc, nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật. Đó là các chuẩn mực bắt buộc trong thiết kế chủng loại công trình công cộng ở Canada, dù cho số người khuyết tật không nhiều.
Tại các nước Âu - Mỹ, người ta áp dụng các quy định này rất chặt chẽ, vì quan niệm đây là biểu hiện mối quan tâm của cộng đồng xã hội văn minh đối với một bộ phận người kém may mắn.
Tạo điều kiện trong sinh hoạt
Người khuyết tật có thể là nạn nhân chiến tranh, hoặc có thể chất suy yếu do bẩm sinh hoặc tai nạn, người già bệnh hoạn, mất sức. Cơ bản có thể phân ra thành hai nhóm: Nhóm khuyết tật sử dụng xe lăn và nhóm người tuy suy yếu thể chất nhưng còn đi lại được. Nhóm sau gồm người đi lại kém phải dùng gậy hoặc khung chống, người khiếm thị, câm điếc, già cả.
Theo quy định về an toàn đô thị, tại các công trình công cộng, bất cứ nơi nào có tầng cấp hoặc cầu thang dành cho người thường thì bắt buộc phải xây kèm theo một đường dốc cho người đi xe lăn. Lối đi cần sử dụng vật liệu chống trượt, tấm che cống phải sắp thẳng góc với đường đi (tránh gây nạn kẹt bánh xe lăn), có tay vịn, biển báo chỗ nguy hiểm, đủ ánh sáng... Đường dốc dài quá phải bố trí chiếu nghỉ từng đoạn. Nhà cao tầng sử dụng thang máy cần đủ mặt bằng cho người khuyết tật đi xe lăn xoay trở.
Tại các nước, người khuyết tật được khuyến khích lao động bình thường. Đi lại, họ xử dụng loại ô tô đặc biệt, điều khiển bằng tay, bãi đậu xe nào cũng có chỗ dành riêng (xe khác đậu lên chỗ đó sẽ bị phạt). Nhà sệ sinh, nhà tắm công cộng đều phải có phòng dành cho người khuyết tật, rộng rãi hơn và có tay vịn.
Nhà ở dành cho người khuyết tật sử dụng xe lăn xây theo chuẩn đặc biệt, diện tích thêm khoảng 10% so với nhà thường, quy định về kích thước cũng khá chi li cho không gian ngủ, bếp, nơi làm việc, nhắm hỗ trợ thao tác đặc biệt của họ.
Các công trình như công sở, nhà hát, sinh hoạt tâm linh đều dự trù tiện ích cho người khuyết tật. Từ kích thước đến hình dạng, lưu trình cho lối vào, đường lưu thông nội bộ, rồi thang máy, nhà vệ sinh, nhà tắm... đều được quy định rõ ràng. Đối với các công trình công cộng ngoài trời như công viên, khu vui chơi giải trí, cũng có các chuẩn về đường đi lại, chỗ đậu xe, khu vệ sinh cho người khuyết tật.
Người Đô Thị