Hàng vạn công nhân tại Hà Nội đang rất cần nhà ở. Tuy nhiên hai khu nhà công nhân tại xã Kim Chung (Đông Anh) và xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) gần đây tỷ lệ phòng trống lên đến 20%.
Nhà công nhân tại KCN Phú Nghĩa (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Minh
|
Bỏ trống hàng ngàn chỗ ở
Ông Bùi Minh Tuân, Giám đốc Xí nghiệp quản lý nhà công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho biết từ cuối năm 2013 đến nay, khu nhà công nhân phục vụ cho khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã có 248 phòng bỏ trống (trên tổng số 1.084 phòng), tương đương với gần 3.000 chỗ ở.
“Lần đầu tiên xảy ra tình trạng trống phòng tại đây kể từ khi đưa khu nhà vào khai thác từ năm 2007 đến nay”, ông Tuân nói. Cũng theo đơn vị này nguyên nhân là do tình hình làm ăn của một số doanh nghiệp gặp khó khăn và có nhiều công nhân lập gia đình cần thuê nhà ở riêng.
Trong khi đó, quy chế của khu nhà công nhân là chỉ cho người độc thân thuê mà không cho hộ gia đình thuê. “Chúng tôi đang đề xuất nếu thành phố cho phép hộ gia đình thuê nhà chắc chắn sẽ hết ngay phòng trống. Nhu cầu của các hộ gia đình rất cao, giá thuê trọn gói cũng chỉ khoảng 700 ngàn đồng/phòng/tháng”, ông Tuân nói.
Một nguyên nhân khác đó là quy định nếu có người nhà đến chơi thì không được ở lại qua đêm, trong khi đó một bộ phận công nhân vẫn chưa quen lối sống công nghiệp, thích tự do. Một nguyên nhân nữa là tại đây đang rất thiếu nhà mẫu giáo phục vụ cho các gia đình công nhân trẻ.
Tương tự khu nhà công nhân tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, phòng ở khép kín sạch sẽ, có bếp, sân chơi cho trẻ em, hạ tầng, giao thông khá thuận lợi. Tuy nhiên, số phòng trống chiếm khoảng 15%. Theo đại diện Tập đoàn Phú Mỹ (chủ đầu tư), nguyên nhân công nhân không mặn mà vì khu nhà ở cách xa chợ truyền thống, không thuận tiện mua bán. Việc bỏ trống phòng ở có tác động đáng kể đến khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp này.
Căn hộ 300 triệu đồng
Ông Lê Minh Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Mỹ cho biết, riêng tiền đầu tư xây lắp 108 căn hộ dành cho công nhân tại khu công nghiệp Phú Nghĩa đã lên tới 21 tỷ đồng, chưa kể khoảng 10 tỷ đồng đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, giá cho thuê được thành phố “duyệt” cao nhất là 170.000 đồng/người/tháng. Theo tính toán, kể cả khi được vay vốn ưu đãi, công suất thuê đạt 100% thì nhanh nhất cũng phải sau 20 năm mới thu hồi vốn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, nguyên nhân chậm phát triển quỹ nhà này là do chính sách còn nhiều bất hợp lý. Luật Nhà ở có đề cập đến nhà công nhân nhưng mãi đến năm 2013 mới ra đời Nghị định 188. Và Nghị định này cũng mới có hiệu lực từ tháng 7/2014. “Nhà nước không thể dùng ngân sách để lo hết nhu cầu về nhà cho công nhân. Do vậy phải có chính sách thực sự thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư”, ông Đạm kiến nghị.
Theo ông Lê Minh Nghĩa, nếu các hộ gia đình công nhân được mua nhà xã hội thì sẽ tạo cơ hội rất lớn để người lao động cải thiện về nhà ở. “Nếu công nhân có nhu cầu thì công ty sẵn sàng có thể bán với giá hơn 300 triệu đồng/căn hộ. Tức là giá bán khoảng 8 triệu đồng/m2, ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là phải có nguồn vốn ưu đãi dài hạn dành cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở công nhân.
Ông Bùi Minh Tuân, Giám đốc Xí nghiệp quản lý nhà công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho biết từ cuối năm 2013 đến nay, khu nhà công nhân phục vụ cho khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã có 248 phòng bỏ trống (trên tổng số 1.084 phòng), tương đương với gần 3.000 chỗ ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong