Trong dự thảo Luật Đăng ký bất động sản (BĐS), Chính phủ đề nghị giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thẩm quyền cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, căn cứ của việc này là chủ trương của Quốc hội về việc thống nhất cấp "một giấy" cho cả nhà và đất. Giấy mới theo Luật Đăng ký BĐS sẽ có tên là "GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất". "Giấy mới có nhiều ưu điểm hơn so với các loại giấy hiện hành. Đó là: thể hiện đầy đủ hiện trạng và các quyền về BĐS, các biến động về BĐS; không chia cắt thông tin về đất và tài sản gắn liền với đất" - Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích.
Cũng theo Bộ Tư pháp, khi đã quy định tách bạch thủ tục hành chính của UBND cấp tỉnh và huyện trong việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất với hoạt động đăng ký BĐS thì đăng ký BĐS thực chất chỉ là việc cơ quan đăng ký ghi nhận các quyền đối với BĐS vào sổ. Cụ thể, việc đăng ký chỉ được tiến hành sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất của UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai. Do đó, việc đăng ký BĐS (cấp GCN) không nhất thiết phải thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước (UBND cấp tỉnh - có nơi ủy quyền cho cấp huyện) như hiện nay.
Trước đề xuất này của Bộ Tư pháp, không ít người tỏ ra lo ngại bởi hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở các địa phương trước nay chỉ thực hiện các giao dịch trên cơ sở thửa đất đã có GCN do UBND tỉnh, huyện cấp. Chẳng hạn ở Hà Nội, tùy theo nhu cầu, những quận huyện, nơi người dân có giao dịch nhiều mới thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; ngược lại, nếu nhu cầu còn thấp, quận huyện sẽ không thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Trịnh Kiên Đĩnh, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không thể thay mặt cơ quan hành chính Nhà nước (vốn sử dụng dấu quốc huy) để cấp GCN cho người sử dụng đất. Ngay bản thân Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thuận cũng có quan điểm này khi thẩm tra dự án Luật Đăng ký BĐS: "Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể và không nên giao cho văn phòng này vì làm ảnh hưởng đến nguyên tắc quản lý nhà nước về đất đai".
Quan điểm này của Ủy ban Pháp luật cũng tác động rất nhiều đến những ý kiến phản đối tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 8. Nhiều khả năng, Chính phủ sẽ phải tiếp tục giải trình nếu muốn bảo lưu quan điểm tại phiên họp tháng 9, trước khi đưa ra Quốc hội xem xét vào tháng 10 năm nay.
"Đề xuất của Bộ Tư pháp là hợp lý. Thứ nhất, đề xuất đó đúng nguyên tắc một đầu mối cơ quan thực hiện đăng ký BĐS mà Quốc hội đã thông qua; bảo đảm sự đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện cho người dân khi yêu cầu đăng ký. Thứ hai là cũng không mâu thuẫn với nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý đất đai. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất vẫn thuộc UBND các cấp bằng các quyết định hành chính theo quy định của Luật Đất đai, việc cấp GCN chẳng qua chỉ là bản ghi nhận các thông tin trong sổ đăng ký BĐS và trao cho người dân. Đây là một loại dịch vụ công và cơ quan quản lý hành chính không nhất thiết phải làm" - Ông Đặng Hùng Võ, Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Thanh Niên