Hiện nay những người muốn mua nhà vẫn đang chờ giá xuống thấp hơn nữa trong khi có nhiều thông tin cho biết giá nhà đang tăng nhẹ, lượng giao dịch cũng tăng. Liệu thị trường nhà đất trong thời gian tới sẽ đi theo hướng nào?
Đúng là khó có thể xác định mức độ chính xác của các thông tin nhưng có thể xem xét một vài số liệu. Theo bảng giá tham khảo thị trường TPHCM do Công ty Vinaland đưa ra tuần trước, hàng chục dự án ở nhiều khu vực tiếp tục đứng giá, hơn 50 dự án tăng giá từ 2-10% so với tuần trước đó.
Đặc biệt, không có một dự án nào giảm giá, trong khi tuần trước đó có khoảng gần chục dự án giá giảm từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/mét vuông.
Thông tin từ Công ty Sacomreal cho biết có đến 80% sản phẩm bất động sản đứng giá trong vòng gần một tháng qua. Điều này cho thấy xu hướng giảm giá nhà đất có vẻ đang chựng lại và một số dự án có khuynh hướng tăng.
Giải thích điều này, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Bất động sản Vinaland, cho rằng trên thực tế chủ sở hữu các bất động sản có khuynh hướng nhích giá rao bán lên bởi ngân hàng có động thái giảm lãi suất. Điều này khiến họ kỳ vọng là thị trường tài chính đang được cải thiện.
Một lý do khác nữa là gần đây có nhiều người tìm mua nhà đất vì họ cho rằng giá giảm 50-60% là có thể mua được, nhất là trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng còn nhiều biến động, khó kiểm soát. Theo đó, các loại nhà có thể mua ở ngay hoặc sắp được hoàn công được quan tâm hơn.
Các giao dịch thành công trên thị trường đã thổi một luồng sinh khí mới cho thị trường sau nhiều tháng dài “không có dấu hiệu của sự sống” - nói theo cách của ông Fiachra Mac Cana, Trưởng bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán HSC.
Có thể điều này phần nào đã tác động đến tâm lý người bán nên nhiều người nhất định không giảm giá thêm. Hiện tượng đứng giá được ông Mac Cana nhận định là thị trường đã tìm thấy “đáy” của nó.
Trong khi đó bên mua cũng có lý lẽ riêng khi họ nấn ná chờ giá xuống. Nhiều người cho rằng khác với những đợt sốt nhà đất trước đây, vốn đổ vào bất động sản thời điểm cuối năm 2007, đầu năm 2008 phần nhiều là vốn vay ngân hàng nên khi đến thời điểm đáo hạn vào cuối năm nay, chắc chắn sẽ có hàng loạt bất động sản được bán với giá rẻ để giải quyết những khó khăn tài chính.
Hiện đang có sự giằng co giữa kẻ bán và người mua. Dù chưa biết nhận định của bên nào gần với diễn biến của thị trường hơn nhưng hệ quả của hiện tượng này là lượng giao dịch thành công còn ít. Nhiều chuyên gia nhận định khó có khả năng xảy ra chuyện sốt giá nhà đất trong vài tháng tới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam dự báo trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước chưa thể nới lỏng tín dụng đối với bất động sản. Như vậy, việc giá nhà đất tăng nhẹ, một, hai triệu đồng mỗi mét vuông và tập trung ở một số dự án chưa thể là cơ sở để nói rằng thị trường bất động sản đang bắt đầu một giai đoạn tăng mới.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, theo ông Mac Cana, đó là chưa có dấu hiệu nào từ phía ngân hàng cho thấy họ sẽ bán các bất động sản thế chấp đối với các khoản nợ xấu, điều mà trước đây, nhiều người đã dự đoán là sẽ diễn ra vào thời điểm cuối quí 2 nhưng thực tế đã không diễn ra.
Ai cũng biết việc giải chấp những khoản nợ xấu không bao giờ dễ dàng, và phải mất nhiều thời gian. Chính sách của mỗi ngân hàng cũng rất khác nhau. Các ngân hàng đang rất thận trọng trong việc xử lý những tình huống này bởi nếu làm không khéo thì cũng khó lòng thu được nợ.
Vẫn còn một đợt định giá lại các bất động sản thế chấp cho các khoản vay vào cuối năm nay để xác định lại khoản nợ xấu của ngân hàng và khoản dự phòng rủi ro mà các ngân hàng phải lập là bao nhiêu. Đây là vấn đề hết sức quan trọng khi hiện đã có nhiều bất động sản có giá trị thị trường giảm xuống thậm chí ngang bằng với giá trị các khoản vay.
Ông Mac Cana cho rằng mối quan hệ này sẽ bớt căng thẳng nếu giá bất động sản có chiều hướng tăng từ nay đến cuối năm. Ông dự báo trong ngắn hạn giá giao dịch sẽ “lình xình”, lên xuống chút ít so với mức hiện tại.
>Tìm cách thích ứng
Theo TBKTSG