Hơn 150 khu, cụm công nghiệp đã mọc lên trên diện tích gần 20.000 hecta đất, chủ yếu là đất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đón lèo tèo vài dự án đăng ký đầu tư.
Các tỉnh miền Tây đang đối diện với nguy cơ bỏ đất hoang
Khu công nghiệp (KCN) Trần Quốc Toản ở phường 11 thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp được xây dựng từ năm 2002 trên diện tích 140 hecta. Đến nay, dù 40% diện tích đất đã được triển khai hạ tầng hoàn chỉnh, nhưng chỉ mới có một nhà máy xây dựng xong.
Toàn bộ KCN rộng mênh mông là một rừng cỏ sậy, lau lách cao lút đầu người, hoang phế. Ông Lê Văn Nam, một người dân sống gần KCN Trần Quốc Toản nói chua chát: “Sáu năm qua, nhìn cả trăm mẫu đất bỏ hoang thiệt xót ruột”.
Chạy theo phong trào
Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay, đi đến đâu cũng có thể nhìn thấy những khu, cụm công nghiệp bỏ hoang như KCN Trần Quốc Toản.
Tại An Giang, trong khi các KCN như Bình Long (huyện Châu Phú), Bình Hòa (huyện Châu Thành) đất đai đa phần bỏ trống, lèo tèo vài nhà máy, tỉnh vẫn tiếp tục xây dựng hoành tráng KCN Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) và tiếp tục bỏ trống.
Tận vùng bán đảo Cà Mau xa xôi, nơi nền đất rất yếu, nhiều khu, cụm công nghiệp cũng ồ ạt mọc lên ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang… sau đó đất đai bị bỏ hoang cho cỏ mọc vì không có nhà đầu tư.
Phong trào xây dựng khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL bắt đầu từ nghị quyết số 21 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2010 (tháng 1.2003) của bộ Chính trị và kế hoạch phát triển KCN vùng ĐBSCL với diện tích 17.711 hecta được Quốc hội phê chuẩn năm 2004.
Sau đó, ngày 21.8.2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1107/QĐ-TTg xác định đến năm 2010 quy hoạch phát triển KCN vùng ĐBSCL lên đến 31.500 hecta, năm 2020 khoảng 50.000 hecta, trong đó 50% diện tích thuộc địa bàn tỉnh Long An.
Đến cuối năm 2007, toàn vùng có 20 KCN với tổng diện tích 3.645 hecta, bình quân mỗi KCN có quy mô 180 hecta, trong đó diện tích đã xây dựng 2.416 hecta (chiếm 66,28%), nhưng diện tích đất cho thuê mới chỉ có 810 hecta, đạt tỷ lệ lấp đầy 33,51%.
Ngoài các KCN do trung ương quy hoạch, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn có các cụm, điểm công nghiệp do ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng, cũng hoang vắng.
Tiền tỉ phơi mưa nắng
Theo tính toán của ban quản lý các khu, cụm công nghiệp ở miền Tây, để có một hecta đất sạch giao cho nhà đầu tư, chi phí không dưới 4 tỉ đồng. Tính ra, với khoảng 10.000 hecta đất khu, cụm công nghiệp đang bị bỏ trống nhiều năm qua, các tỉnh miền Tây đã lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng.
Nhiều năm nay, các địa phương ĐBSCL liên tục lên TP.HCM mở hội nghị mời gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, nhưng chỉ nhận được… lời hứa của các doanh nghiệp.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho biết trở ngại quan trọng nhất khiến các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL hoang vắng là hệ thống đường giao thông, cảng vận chuyển hàng hoá ở ĐBSCL về thị trường TP.HCM và xuất khẩu quá kém.
Có thể thấy rõ điều này khi năm nào UBND tỉnh An Giang cũng mời nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đến xem xét khu kinh tế cửa khẩu, KCN Tịnh Biên, nhưng nhiều người tỏ ra e ngại vì đường vận chuyển hàng hoá từ vùng biên này về các thị trường lớn quá khó khăn, cách trở.
Hiện các tuyến quốc lộ huyết mạch của miền Tây như quốc lộ 91, 80, 54, 57, 60 đều hư hỏng nghiêm trọng hoặc được thi công với tốc độ… rùa bò. Trong khi đó, hai luồng vận tải thủy quan trọng nhất là sông Tiền, sông Hậu thì tàu trên 5.000 tấn đầy tải không thể lưu thông, vấn đề xuất khẩu hàng hóa bằng container xem như con số không.
Có một điều lạ là trong khi mức độ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ở miền Tây rất chậm, thì UBND các tỉnh luôn kêu thiếu đất sạch xây dựng công nghiệp để cho các nhà đầu tư thuê.
Trên thực tế, do nôn nóng mời gọi đầu tư, lâu nay các tỉnh ĐBSCL phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước các nhà đầu tư không đủ năng lực nhưng đăng ký dự án theo kiểu “xí phần đất đai” để chờ thời.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị