Top

Nhà sai phép: Nguyên nhân và giải pháp - Bài 3: Giấy phép xây dựng quá “ôm đồm”

Cập nhật 20/02/2009 11:50

Có nhiều chi tiết trong giấy phép xây dựng nếu bỏ bớt đi vẫn không gây hại gì.

Có rất nhiều lý do dẫn đến xây dựng sai phép như chủ nhà cố tình làm sai phép, các cơ quan quản lý lỏng lẻo, quy định thiếu hợp lý nên khó thực hiện... Trong số đó, không thể phủ nhận lỗi do giấy phép xây dựng ràng buộc quá nhiều nội dung, từ quy hoạch, số tầng, khoảng lùi cho đến các chi tiết nội thất.

Lấn cấn giữa quy định và thực tế

“Pháp luật đã quy định cứ xây sai phép là phạt nên không phạt không được. Nhưng thực sự có nhiều chi tiết trong giấy phép nếu làm khác đi thì không gây ảnh hưởng gì đến cộng đồng và trật tự xây dựng chung” - ông Nguyễn Ngọc Quý, Thanh tra xây dựng quận 6 (TP.HCM), chia sẻ. Theo ông Quý, khi cấp phép xây dựng, cơ quan cấp phép chỉ cần xác định cho người dân vị trí, diện tích, tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi của công trình, chỉ giới đường đỏ, cốt nền và hệ thống đấu nối điện nước.

Khi bỏ qua không xử phạt những sai phạm về vị trí cầu thang, phòng ốc... công trình nhà ở, ông Nguyễn Anh Khoa - Chánh thanh tra xây dựng quận Bình Tân (TP.HCM) lý lẽ: “Ai mà bắt bẻ thì tôi mời xuống thực tế để kiểm nghiệm. Mình làm có lợi cho dân mà không hại cho nhà nước và cộng đồng thì nên làm”.

Ngược lại, ông Lê Tấn Tài - Chánh thanh tra xây dựng quận 12 giải thích: “Nếu chỉ quản lý quy hoạch và bên ngoài công trình thì chưa đủ, vẫn cần có những hạng mục mà chủ nhà phải thực hiện theo quy chuẩn dù nó nằm trong nhà. Nếu thay đổi kiểu dáng, vị trí cầu thang hoặc thêm tầng lửng thì coi chừng ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực”.

Cũng theo ông Tài, khi cấp phép xây dựng, cơ quan nhà nước không bắt buộc người dân phải bố trí nội thất theo một khuôn mẫu mà do người dân tự suy nghĩ rồi nhờ đơn vị tư vấn vẽ. Sau khi kiểm tra các quy chuẩn thì nhà nước cấp phép, điều này đồng nghĩa với việc nhà nước đã kiểm tra luôn độ an toàn của công trình. Trong quá trình xây dựng, muốn thay đổi thiết kế thì người dân phải xin điều chỉnh giấy phép để cơ quan cấp phép kiểm tra lại xem có phù hợp không. “Sở dĩ phải quản lý chặt như thế chẳng qua vì lo cho dân mà thôi” - ông Tài nói.

Thêm vào nhiều đòi hỏi chi li


Theo Điều 14 Nghị định 16 năm 2005, bản vẽ thiết kế của nhà ở đô thị phải thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình; sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước; ảnh chụp hiện trạng (đối với công trình sửa chữa, cải tạo yêu cầu phải có giấy phép xây dựng).

Tuy nhiên, Quyết định 04 của UBND TP.HCM về cấp phép xây dựng lại quy định chặt chẽ hơn Nghị định 16, buộc bản vẽ nhà ở riêng lẻ phải có các thành phần sau: Tổng mặt bằng công trình trên lô đất, tỷ lệ 1/200 ÷ 1/500; kèm theo họa đồ vị trí công trình có thể hiện số lô, ranh thửa đất và ranh lộ giới. Mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt công trình, tỷ lệ 1/100 ÷ 1/200. Mặt bằng móng, sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, tỷ lệ 1/100 ÷ 1/200.

Vì sao có những khác biệt trên? Một chuyên viên Sở Xây dựng TP.HCM lập luận rằng mặc dù nghị định chỉ quy định vẽ mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng nhưng không bản vẽ kiến trúc nào lại để cho phần nội thất trống trơn. Cho nên cần có các thiết kế tỷ lệ 1/200 hoặc 1/100 cho phù hợp.

Ngoài ra, các quận, huyện còn dựa vào Văn bản số 7229 ngày 25-8-2006 của Sở Xây dựng TP.HCM để triển khai việc cấp phép xây dựng. Đáng nói là văn bản này đã bị Sở Tư pháp “thổi còi” vì tự đặt thêm thủ tục trong cấp phép xây dựng, Hiện Sở Xây dựng đang trong quá trình điều chỉnh hướng dẫn này cho phù hợp.

Nhiều chi tiết không nên quản làm gì

Ông Trần Văn Hưởng, Chánh thanh tra xây dựng quận 10, đề nghị Điều 62 Luật Xây dựng miễn giấy phép cho những trường hợp sửa chữa các hạng mục không làm ảnh hưởng đến diện tích, tầng cao, kết cấu căn nhà... Nên chăng cần áp dụng điều luật này để giải quyết có lợi cho người dân theo hướng bỏ qua những điều chỉnh nhỏ trong quá trình thi công.

Đồng tình với đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Kỳ - Thanh tra xây dựng quận 5 nói: “Đối với những điều chỉnh thuộc về nội thất như vị trí phòng, số phòng, chiều rộng của cửa, vị trí nhà vệ sinh, bếp, cầu thang, vị trí ô thông thoáng, chính quyền không nên quản làm gì. Tầng lửng, phòng trên sân thượng, mái che cầu thang có rộng hơn cũng không nên bắt bẻ nếu vẫn bảo đảm được quy hoạch. Phần diện tích xây dựng tăng lên do sai số khi đo đạc mà thực tế không vi phạm lộ giới, khoảng lùi, không lấn đất nhà hàng xóm cũng không nên xem là sai phép”. Đối với những trường hợp xây dựng ít tầng hơn so với giấy phép, ông Nguyễn Ngọc Quý - Thanh tra xây dựng quận 6 đề nghị chính quyền không nên máy móc xử phạt sai phép.

Ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM:

Nên giản lược giấy phép xây dựng

Để người dân đỡ vất vả với việc xin giấy phép và thi công xây dựng nhà, giấy phép xây dựng chỉ cần quy định những nội dung tối cần thiết như diện tích xây dựng, tầng cao, khoảng lùi mặt trước, mặt sau, độ thông thoáng của công trình... Đương nhiên những tiêu chuẩn này phải được công bố công khai cho từng ô phố hoặc khu vực. Khi muốn xây dựng, người dân có thể thuê đơn vị tư vấn vẽ theo những tiêu chuẩn ấy, cơ quan cấp phép chỉ cần căn cứ vào đó mà ghi vào giấy phép xây dựng. Như vậy, người dân vừa giám sát và phản biện được với cơ quan cấp phép, đồng thời nhà nước khỏi bị mang tiếng là làm khó cho dân.


Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước không cần quản lý sâu đến cả phần nội thất của công trình xây dựng.

Trong xây dựng, nhà nước cần quản lý nội dung gì, chi tiết nào nên quản, chi tiết nào nên bỏ sẽ được các nhà quản lý và giới chuyên môn bàn luận để tìm ra giải pháp tại hội thảo do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào sáng nay (20-2). Bạn đọc có thể theo dõi bài tường thuật buổi hội thảo trên Pháp Luật TP.HCM Online (www.phapluattp.vn) chiều nay hoặc trên Pháp Luật TP.HCM ngày mai.


Bài 2: Phạt, tha tùy nơi!

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP