Top

Quy hoạch chung Hà Nội: Phải là đô thị có bản sắc

Cập nhật 20/02/2009 10:10

Bộ Xây dựng vừa ký hợp đồng với tư vấn Posco E&C và Công ty Mô hình Tinh Vũ (Trung Quốc) để lập mô hình quy hoạch Hà Nội, trưng bày lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Với kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng, Bộ Xây dựng và các đối tác hy vọng mô hình Hà Nội thu nhỏ này sẽ mô tả chi tiết, dễ hiểu nhất về Thủ đô Hà Nội tương lai. Trước đó, liên doanh tư vấn nước ngoài và các đơn vị trong nước đã bắt tay nghiên cứu đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, được kỳ vọng là sẽ mang lại chất lượng sống tốt, khả năng cạnh tranh và quản lý đô thị cao hơn.

Các không gian đô thị cùng tồn tại


Theo phân tích của TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Hà Nội đã có quá trình phát triển hàng nghìn năm, có tới hơn 4.000 di tích với hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng quốc gia và có hơn 1.200 làng nghề truyền thống. Nhiều di tích như Cổ Loa, Hoàng thành, Thành cổ Sơn Tây... là chứng tích không phải đô thị nào cũng có. Như vậy quy hoạch chung, ngoài việc nhận diện giá trị quỹ di sản để phân loại bảo tồn, rất cần có giải pháp quy hoạch truyền thống của Việt Nam mà không rập khuôn theo đô thị nước ngoài nào. Trong quy hoạch chung cần làm rõ bản sắc, tính đặc trưng của Hà Nội. Một đô thị có sức hấp dẫn, có tính cạnh tranh tốt, tạo điều kiện để phát triển, hội nhập mà không hòa tan, phải là đô thị có bản sắc.

Vậy bản sắc của Hà Nội là gì? PGS-KTS Nguyễn Hồng Thục, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, mảnh đất Hà Nội nghìn năm là cái nôi của Đồng bằng sông Hồng, tích tụ biết bao nhiêu giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc, để làm nên giá trị của Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy phải hiểu, quy hoạch không phải trên mảnh đất trống mà tựa vào "bệ" quá khứ dày dặn, với thực thể hiện tại là thành cổ, khu phố cổ, khu phố Pháp, những khu chung cư cũ, vùng ven đô, hệ thống làng, thậm chí cả cấu trúc xôi đỗ của khu đô thị mới. Các lớp không gian đô thị gần như cùng đồng hiện, cùng tồn tại, không có cái nào xóa cái nào, có tính kế thừa, làm nên một Hà Nội rất đặc sắc. Quy hoạch chung Hà Nội phải đưa ra được quan điểm, tư tưởng về mối tương quan giữa bảo tồn và phát triển.

Kỳ vọng chất lượng sống tốt hơn

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Đỗ Viết Chiến, việc Chính phủ quyết định thuê tư vấn nước ngoài có nghĩa là sẽ không có chuyện đóng cửa bảo nhau nữa. Tư vấn nước ngoài mạnh ở chỗ họ khách quan, không bị chi phối, phương pháp luận và cách tiếp cận không bị ràng buộc nên dễ dàng đưa ra một phương án khoa học. Vì vậy, điều quan trọng là có sự phối hợp chặt chẽ, rõ trách nhiệm của từng bên liên quan. Nguồn thông tin càng cụ thể, chính xác thì dự báo càng gần thực tế, phù hợp thực tế. Ngoài mục tiêu phát triển bền vững thì nguồn tài chính bảo đảm thực hiện cũng là yêu cầu quan trọng khi nghiên cứu quy hoạch.

Kỳ vọng để chất lượng sống tốt hơn, tính cạnh tranh và quản lý đô thị tốt hơn, nhưng KTS Nguyễn Hồng Thục cũng đặt vấn đề, mở rộng cơ hội để phát triển lớn bao nhiêu thì thách thức lớn bấy nhiêu. Hà Nội sẽ buộc phải chuyển đổi một lượng dân cư từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bản thân trong lòng thành phố phải chấp nhận song hành hai cấu trúc cũ và mới. Vùng ven đô của Hà Nội cũ liên kết như thế nào với thành phố trung tâm đã khó, nay liên kết với vùng mở rộng là bài toán có tính phức tạp, đa vấn đề, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết.

KTS Nguyễn Thế Phương, đại diện Tập đoàn Thiết kế đô thị DA (Hàn Quốc) cho rằng, quy hoạch chung là tiền đề cho những phát triển của hàng chục năm tiếp theo, không thể thiếu cân nhắc và thiếu sự chuẩn bị chu đáo cả về chất và lượng cũng như không nên dồn ép theo kiểu chạy chương trình tiến độ. Để có được những sản phẩm bền vững thì con người cũng phải suy nghĩ và làm việc theo cách bền vững. Mở rộng và quy hoạch Hà Nội không chỉ vì ngày hôm nay mà còn vì những thế hệ sau này; không chỉ vì người Hà Nội mà vì sự phát triển của đất nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới