Top

Lấp hầm cao ốc Pacific: Không dễ!

Cập nhật 03/03/2008 10:00

Các cọc ở đáy hầm liệu có chịu nổi một khối lượng cát khổng lồ đè lên?

Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC) vừa hoàn tất báo cáo về hiện trạng của các công trình lân cận công trình cao ốc Pacific (quận 1, TP.HCM) theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Trong báo cáo, SCQC đã xác định nguyên nhân tòa nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ bị sập là do thi công cao ốc Pacific và thiệt hại về nhà cửa.

Nhà khách Sở Ngoại vụ sắp... sụm!

Còn tòa nhà của Sở Ngoại vụ được SCQC chia làm bốn bộ phận với tình trạng bị ảnh hưởng và giải pháp xử lý khác nhau. Nhà xe và nhà khách của sở này bị hư hỏng nặng, đang ở trạng thái nguy hiểm.

SCQC đề nghị đập bỏ, xây mới lại. Trung tâm Dịch vụ đối ngoại (Bộ Ngoại giao) có một số hư hỏng về kiến trúc như nứt tường, nền bị lún nứt nhưng hệ kết cấu chính chưa có hiện tượng hư hỏng. Do đó phần này có thể tiếp tục sử dụng được nếu gia cố, sửa chữa và không có sự ảnh hưởng tiếp khi thi công cao ốc Pacific.

Trong lúc chờ các cơ quan chức năng giải quyết, cần có biện pháp chống đỡ tạm một số khu vực. Phần nhà thờ cổ của Sở có hiện tượng rạn nứt một vài mảng tường ở khu vực tiếp giáp nơi xảy ra sự cố ở nhà xe. Còn lại chưa xuất hiện các vết nứt mới.

Qua kết quả quan trắc lún, tại các vị trí tiếp giáp gần khu vực xảy ra sự cố ở Sở Ngoại vụ có hiện tượng lún lớn hơn 2 mm/tháng. Còn vị trí xa hơn có tốc độ lún nhỏ hơn 2 mm/tháng. SCQC đánh giá công trình nhà thờ cổ hiện đang ở trạng thái tạm thời ổn định.

Tuy nhiên, đây là công trình đặc biệt cần được bảo tồn, do đó SCQC kiến nghị cần có biện pháp khảo sát ngay địa chất ở khu vực xung quanh nhà thờ cổ để có biện pháp gia cố thích hợp.

Riêng công trình cao ốc Yoco, từ lúc xảy ra sự cố sập tòa nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ ngày 9-10-2007, SCQC đã theo dõi hư hỏng, quan trắc lún và dịch chuyển ngang công trình được 14 chu kỳ.

Qua kết quả khảo sát, cao ốc Yoco chưa có dấu hiệu phát sinh các hư hỏng mới, không có hiện tượng nghiêng, lún. Như vậy, tại thời điểm khảo sát, công trình này ở trạng thái ổn định, tiếp tục được theo dõi, quan trắc trong khi chưa xử lý xong việc chống thấm ở tường vây của tầng hầm cao ốc Pacific.

Trách nhiệm đè nặng lên đơn vị tư vấn

Ngày 22-2, đơn vị thi công cao ốc Pacific là Công ty TNHH Xây dựng Thái Bình Dương đã có văn bản gửi Sở Xây dựng trình kế hoạch xử lý sự cố tại các tầng hầm cao ốc này.

Cụ thể là sẽ khoan kiểm tra lấy mẫu tại toàn bộ các điểm tiếp giáp giữa các đốt tường vây đã được chống thấm để thí nghiệm, xác định độ chống thấm đã tuyệt đối an toàn chưa. Hiện nhà thầu làm công việc này đã có đề cương gửi Sở Xây dựng xem xét.

Ngoài ra, sẽ khoan khảo sát địa chất khu vực Sở Ngoại vụ giáp ranh cao ốc Pacific để xác định địa tầng khu vực bị ảnh hưởng. Trong cuộc họp ngày 27-2 vừa qua, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư cao ốc Pacific phải thuê đơn vị tư vấn có uy tín (nếu cần sẽ là một hội đồng tư vấn) để xử lý triệt để tất cả những khuyết tật gây sự cố. Cần đánh giá toàn diện về chất lượng các tầng hầm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình này và các công trình lân cận.

Theo một số chuyên gia về xây dựng có tìm hiểu trường hợp cao ốc Pacific, khắc phục các sự cố tại tầng hầm cao ốc này và cả việc lấp hầm đòi hỏi kỹ thuật rất phức tạp. Cái khó là các cọc đã đóng ở đáy hầm không được lường trước khả năng có thêm một tải trọng khổng lồ (cát lấp hầm) đè lên.

Một nguồn tin cho biết đơn vị tư vấn được thuê sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn công trình này cũng như các công trình lân cận qua kết luận và giải pháp đơn vị này đưa ra. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng sẽ trình UBND TP quyết định “số phận” các tầng hầm này.

Theo Pháp Luật TP.HCM