Top

Cao ốc Pacific: Lấp hầm bằng đất, nước hay không khí?

Cập nhật 06/03/2008 13:00

Lấp hầm bằng cát là cách dở nhất. Có người bảo phải lấp hầm, có người khẳng định chỉ cần chữa hết “bệnh” cho tường vây.

Mặc dù cơ quan điều tra đã bàn giao lại cho Sở Xây dựng TP.HCM xử lý hiện trường sự cố xây dựng công trình cao ốc Pacific gây sập tòa nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, làm sụt lún khu để xe của Sở Ngoại vụ TP.HCM nhưng đến nay việc lấp các tầng hầm xây sai phép vẫn còn lơ lửng. Cái khó là kỹ thuật lấp các tầng hầm sai phạm “khê” hơn “cắt ngọn” nhà cao tầng nhiều.

Lấp bằng cát có thể xô lệch tường vây

Một chuyên gia về quản lý chất lượng công trình cho biết lấp hầm không đơn giản là đổ cát một cách cơ học vào ba tầng xây lố để còn lại ba tầng xây đúng phép. Nếu làm vậy, coi chừng công trình bị sụt lún do các cọc nhồi đã đóng ở đáy hầm không lường trước việc phải chịu thêm một tải trọng khổng lồ từ lượng cát lấp hầm. Chưa kể trong quá trình lấp cát phải có sự đầm nén, việc này có thể lại tạo một áp lực ngang, làm xô lệch tường vây, tiếp tục gây sự cố không lường trước được.

PGS-TS Đặng Hữu Diệp - Giám đốc Liên hiệp Địa chất công trình-xây dựng và môi trường nhận định việc lấp hầm sẽ khắc phục việc tiếp tục xảy ra sự cố. Quan trọng là phải chọn loại vật liệu nào, độ chặt của tầng đất phải đạt yêu cầu ra sao.

Vật liệu lấp hầm không thể chọn cát mịn, đất có nhiều thành phần hữu cơ hay xà bần mà nên là loại đất có sự kết dính tốt. Tùy theo tính chất của công trình mà đề ra chỉ tiêu về độ chặt của tầng đất. Độ chặt này sẽ đảm bảo cho công trình không xảy ra sự cố, đồng thời giữ cho các công trình xung quanh được ổn định.

Có thể hiểu việc lèn đất ở đây như việc đắp đường hoặc làm sân bay. Nếu chọn không đúng loại vật liệu và không tuân thủ quy trình kỹ thuật thì sẽ giống như công trình cầu Văn Thánh 2 cứ lún dần dần rồi sụp luôn, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các công trình liền kề.

Phải xài không khí hoặc nước

Kỹ sư Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành lại có ý kiến khác. Ông cho biết qua nghiên cứu sơ bộ, ông nhận thấy chủ đầu tư cao ốc Pacific đã lựa chọn biện pháp thi công thiên về an toàn khi cho đóng các cọc nhồi dưới đáy hầm.

Với chiều sâu của các tầng hầm hoàn toàn có thể chịu được tải trọng của tòa nhà mà không cần đóng cọc. Do đó, có đổ thêm cát vào lấp ba tầng hầm sâu nhất thì cũng không ảnh hưởng đến các cọc hay móng công trình.

Tuy nhiên, ông Đực không đồng tình với biện pháp đổ cát lấp hầm vì cho rằng nó không có tác dụng. Ông lý giải, trước đây do các lỗ thủng tại tường vây đã kéo theo nước, cát, đất của các công trình xung quanh tuôn chảy vào tầng hầm, tạo ra những khoảng trống nên mới xảy ra hiện tượng bị lún, sập.

Do đó, khi gia cố hoàn chỉnh các khuyết tật của tường vây, đồng thời rút hết nước ra khỏi các tầng hầm thì công trình Pacific và các công trình khác sẽ đảm bảo an toàn. Lấp hầm bằng không khí theo kiểu này là giải pháp tối ưu nhất.

Còn nếu bắt buộc phải lấp hầm thì ông Đực cho rằng nước là lựa chọn tốt nhất. Nước với độ lèn chặt sẽ lấp đầy các khoảng trống trong hầm, khi mực nước này bằng hoặc nhiều hơn bên ngoài thì sẽ tạo sự cân bằng áp lực, không gây ra sự cố lún, sập tiếp. Hiện nay, tại công trình cao ốc Pacific đang áp dụng giải pháp này. Còn cát dù kết dính tới đâu cũng không thể có độ chặt bằng nước, sẽ có những khoảng trống cát không thể len vào lấp kín hết được.

Không ai dám bảo đảm an toàn tuyệt đối

Theo thạc sĩ Lê Anh Hoàng - khoa Kỹ thuật và công nghệ, Trường ĐH Mở TP.HCM, về mặt kỹ thuật, xử lý công trình dưới đất và trên mặt đất hoàn toàn khác nhau. Trong lòng đất có những tác động không lường trước được bởi những yếu tố địa chất, thủy văn... Lấp hầm không phải đơn giản là việc đổ cát vào, nén chặt là xong.

Hiểu như thế là cách hiểu của người không có chuyên môn, không lường được hậu quả. Chưa kể sau khi lấp rồi thì nền móng công trình phải xử lý như thế nào để cao ốc tiếp tục xây dựng được cũng phải tính đến, nếu không công trình không thể xây dựng được hoặc sẽ gây ra những sự cố khôn lường.

Về pháp lý thì sai phép ở đâu phải sửa chỗ đó. Cụ thể là chủ đầu tư phải lấp ba tầng hầm. Nhưng có những trường hợp không cứng nhắc được nếu nó không thể khả thi. Chưa ai biết được giữ lại hay lấp mấy tầng là an toàn, giải pháp nào khả thi nên Sở Xây dựng đang chờ kết luận của đơn vị tư vấn rồi mới quyết định biện pháp xử lý các tầng hầm là đúng.

Tuy nhiên, phải có sự “du di” chứ nếu đòi hỏi giải pháp của đơn vị tư vấn đưa ra phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình Pacific và các công trình xung quanh thì chưa chắc có ai dám làm, bởi chưa ai có kinh nghiệm, vì đây là vụ lấp hầm đầu tiên trong các vụ vi phạm xây dựng từ trước đến nay.

Do việc xử lý phức tạp và chưa có tiền lệ, Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư thuê một công ty tư vấn hoặc hội đồng tư vấn uy tín để có giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất. Sở còn mời chuyên gia của Bộ Xây dựng vào TP.HCM tham gia đóng góp ý kiến về việc này.

Theo Pháp Luật TP.HCM