Top

Các công trình trọng điểm tại TP.HCM: Giá vật liệu tăng, càng thi công càng lỗ

Cập nhật 06/03/2008 09:00

Cầu Thủ Thiêm lỗ tới 130 tỷ đồng. Có nhà thầu tuyên bố thà chịu phạt còn hơn thi công! Ngày 5-3, nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công tuyên bố không thể hoàn thành đúng tiến độ các công trình hạ tầng tại TP.HCM trước cơn “bão giá” nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu tăng đến chóng mặt.

Cầu Thủ Thiêm lỗ tới 130 tỷ đồng

Ông Ngô Quang Vinh - Trưởng Ban điều hành dự án cầu Thủ Thiêm, thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1 cho biết tổng kinh phí xây dựng cầu Thủ Thiêm là 720 tỷ đồng. Nay do giá tăng, nếu tiếp tục thi công đơn vị này sẽ bị lỗ 130 tỷ đồng.

Ông Vinh dẫn chứng năm 2006, khi ký hợp đồng thi công giá dầu DO là 4.800 đồng/lít nay lên 10.200 đồng/lít, sắt từ 7.850 đồng/kg nay vọt lên 14.700 đồng/kg; giá nhân công từ 60.000 đồng/ngày nay tăng lên 90.000 đồng/ngày. Ngoài ra, các loại vật liệu khác như cát, đá đổ bê-tông, đá làm đường cũng đã tăng 20%-50%.

Đường nối từ cầu Thủ Thiêm đến đại lộ Đông-Tây thi công trong sáu tháng. Đơn vị thi công đã làm được hai tháng nhưng vẫn còn bị vướng giải tỏa một số nhà dân. “Giải tỏa chậm, công trình phải thi công cầm chừng trong khi giá tăng chóng mặt từng ngày. Chúng tôi càng thi công càng lỗ!” - ông Vinh nói.

Theo ông Lưu Hồng Lợi - Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, chủ đầu tư tuyến đường Rừng Sác (Cần Giờ), nền hạ toàn bộ tuyến đường dài gần 40 km này đã gia tải xong. Chủ đầu tư, nhà thầu không dám cho thi công tiếp giai đoạn hai vì cát, đá, nhựa đường, tiền vận chuyển... đều tăng đến chóng mặt. Ông nói: “Chúng tôi thà chịu phạt còn hơn làm để bị lỗ, rồi nợ nần đầm đìa!”.

Ông Phạm Bá Phước - Phó Giám đốc Công ty Xây dựng công trình GTCC cho biết từ sau ngày 26-2, một ca xe máy đã phải chi thêm 180.000 đồng đến 200.000 đồng cho tiền dầu DO, tiền lương nhân công cũng tăng lên 20%-30%. “Các công trình thay cống đường Pasteur, mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm... vừa làm vừa phải chờ điều chỉnh, duyệt giá mới nên tiến độ khó theo đúng kế hoạch” - ông Phước cho biết.

Sẽ “tái sinh” cơ chế “xin-cho”

Vừa qua, Chính phủ đã chấp thuận cho điều chỉnh giá vật liệu xây dựng đối với các công trình có vốn từ ngân sách. Bộ Xây dựng và Bộ GTVT cũng đã có các văn bản về điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng của các công trình.

Bộ GTVT “mở lối” cho phép các chủ đầu tư, nhà thầu được căn cứ theo chứng từ, hóa đơn hợp lệ để xác định giá vật liệu xây dựng khi cơ quan quản lý giá chưa ra thông báo giá. Ông Phạm Bá Phước phân tích dù cùng thời điểm nhưng mỗi doanh nghiệp cung ứng vật liệu có giá khác nhau.

Vậy cơ quan quản lý giá, quản lý xây dựng sẽ dựa vào hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp cung ứng nào để quyết định giá điều chỉnh? Cán bộ một đơn vị xây dựng công trình giao thông cho rằng cách mở trên có vẻ thoáng nhưng sẽ tạo ra những kẽ hở “xin-cho” khi duyệt, thanh quyết toán công trình.

Theo ông Nguyễn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công trình giao thông 6 (Cienco 6), việc điều chỉnh các hợp đồng cũng không thể theo kịp biến động giá. Ông Hùng dẫn chứng hợp đồng được ký, một tuần sau tiền được chuyển đến thì giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu đã tăng lên.

Các bên A, B phải ngồi lại với nhau năm lần, bảy lượt với sự chứng kiến của các cơ quan quản lý giá, quản lý xây dựng để thống nhất điều chỉnh hợp đồng thì giá lại tiếp tục tăng. “Nội họp tới họp lui để điều chỉnh hợp đồng không thôi cũng không theo kịp biến động giá thì lấy đâu thời gian mà làm” - ông Hùng than.

Duyệt giá chậm ngày nào, ách ngày nấy!

Chiều qua, Sở GTCC TP.HCM đã họp bàn việc điều chỉnh giá và hợp đồng để “cứu” các công trình. Thông tin từ ông Lê Toàn - Phó Giám đốc Sở GTCC, cuối cùng cuộc họp đi đến thống nhất chờ Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện các văn bản trên của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT.

Ông Nguyễn Xuân Bảng - Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cho hay trước mắt, chủ đầu tư, nhà thầu chỉ có thể ngồi lại tạm tính mức chênh lệch giá chờ hướng dẫn cụ thể. Theo Bộ GTVT, không vì việc điều chỉnh giá, hợp đồng mà làm chậm tiến độ các công trình.

Tuy nhiên, một cán bộ Sở GTCC TP.HCM cho hay với cơ chế duyệt giá điều chỉnh nhiêu khê, từ từ như hiện nay thì không chủ đầu tư, nhà thầu nào dám làm cho kịp tiến độ như đã định.

Tránh chạy ăn từng bữa

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ - Phó Giám đốc Sở GTCC TP.HCM: Đến hôm qua, các công trình đại lộ Đông-Tây, cải thiện môi trường nước... chưa bị tác động của cơn “bão giá”. Điều này là do khi ký hợp đồng, các bên chủ đầu tư, nhà thầu... đều đã tính và ghi vào hợp đồng những điều khoản về trượt giá, thái độ ứng xử của các bên khi có biến động giá.

Ông Phạm Bá Phước - Phó Giám đốc Công ty Xây dựng công trình GTCC: Khi có biến động giá, các bên thi công công trình có vốn ngoài ngân sách nên ngồi lại với nhau bàn, điều chỉnh giá ngay thì sẽ không bị dồn ép bởi các cơn “bão giá” liên tục.

Ông Nguyễn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công trình giao thông 6: Khi ký hợp đồng, các bên thống nhất phải chuyển 70% số tiền của giá trị hợp đồng thì mới thực hiện. Có tiền, đơn vị thi công sẽ chủ động mua ngay nguyên, nhiên, vật liệu để thực hiện cho cả công trình. Chúng tôi đi mua “hàng chuyến” chứ không đi chợ cho bữa ăn từng ngày nên không bị ép bởi cơn “bão giá”.


Theo Pháp Luật TP.HCM