Quy hoạch đô thị là một phạm trù văn hóa rộng với con người là trung tâm. Bản sắc văn hóa trong xây dựng đô thị là mục tiêu, còn các tiến bộ khoa học - kỹ thuật học được từ thế giới - dù rất quan trọng - cũng chỉ có ý nghĩa phương tiện.
Học tập những tiến bộ kỹ thuật của các nền văn minh là một công việc phải làm, nhưng sống trong những đô thị hiện đại của Việt Nam vẫn là những người Việt Nam, có nguồn gốc văn hiến lâu đời và một nền văn minh đậm đà bản sắc.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong quá trình hội nhập, nhưng bản sắc dân tộc vẫn được bảo tồn. Còn những nhà hoạch định quy hoạch đô thị của nước ta đã thực hiện công việc của mình ra sao?
Trong lịch sử nước ta, công cuộc xây dựng đô thị từng có một quá khứ vàng son rực rỡ. Những gì còn sót lại trong gia tài kiến trúc đô thị của cha ông rải rác trong các công trình kiến trúc cổ: đình, chùa, đền, tháp v.v… vẫn hàm chứa một nền văn minh đô thị Việt Nam giàu bản sắc, thân thiện với thiên nhiên, với môi trường và rất giàu tính nghệ thuật. Việc UNESCO công nhận Huế và Hội An là những di sản kiến trúc đô thị của nhân loại là một bằng chứng có tính thuyết phục.
Người Việt Nam đã từng xây dựng trên đất nước mình một hệ thống đô thị hết sức phát triển: kinh đô Thăng Long cùng Phố Hiến ở phía Bắc, những đô thị “trên bến dưới thuyền” như kinh thành Phú Xuân hay đô thị Hội An ở phía Nam và dấu tích của nhiều đô thị khác nữa trên cả hai miền là những minh chứng cho một thời phát triển rực rỡ ấy.
Công cuộc xây dựng đô thị của nước ta gián đoạn trong một thời gian quá dài, kể từ khi đánh mất nền độc lập, tự chủ vào tay người Pháp cuối thế kỷ XIX.
Sau tháng 8/1945, chúng ta lại phải tiến hành hai cuộc chiến tranh lâu dài để giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Ngành quy hoạch đô thị non trẻ của chúng ta ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt này, là xây dựng đô thị trong một đất nước có chiến tranh. Các đô thị miền Bắc tiến hành cải tạo và xây dựng với tiềm lực kinh tế của một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh và đang phải dốc sức chi viện cho tiền tuyến. Ở miền Nam, các đô thị bảo tồn trong dáng dấp của hệ thống đô thị còn lại từ thời Pháp thuộc, thêm bớt, xen cấy một số công trình mang kiểu dáng phương Tây. Về hệ thống đô thị, cả hai miền vẫn không đủ điều kiện cần thiết để tạo dựng cho đất nước một bộ mặt đô thị mới.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đến nay, công cuộc xây dựng đô thị ở nước ta mới bước vào cuộc thử sức thực sự với rất nhiều lúng túng trong việc chuyển đổi từ một nền kinh tế - kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự lúng túng đó phản ánh rất rõ trong việc hình thành bộ mặt đô thị. Rất nhiều khu công nghiệp mọc lên nhưng không có khu công nhân.
Hà Nội, TP.HCM - hai thành phố lớn nhất nước - không đủ sức thoát ra khỏi chiếc áo đã quá chật. Các kiến trúc cao tầng tranh thủ xen cấy vào một hệ thống giao thông đô thị đã quá nhỏ hẹp, chật chội làm tăng cao mật độ cư trú dẫn đến ùn tắc giao thông. Nhiều năm tháng đã đi qua nhưng bộ mặt trung tâm của hai thành phố này vẫn là những trung tâm cũ được xen cấy một số kiến trúc cao tầng giàu tính ngẫu nhiên, không nghiên cứu trước.
Bộ mặt kiến trúc đô thị lộn xộn; hệ thống kỹ thuật hạ tầng tùy tiện, chắp vá; cảnh quan thiên nhiên bị biến dạng, hệ thống cây xanh không được quan tâm thỏa đáng và thiếu hụt trầm trọng; hệ thống các công trình phúc lợi xã hội còn nhiều bất cập. Việc quản lý đô thị lại còn rối hơn. Chỉ với một con đường cũng chia nhỏ ra cho nhiều cơ quan thuộc nhiều ngành phụ trách.
Quá trình đô thị hóa đất nước thời gian qua đã bộc lộ rất nhiều non nớt, yếu kém, bất cập, trong đó có ba vấn đề lớn sau đây.
Về bản chất công việc
Quy hoạch đô thị là một khoa học liên ngành rộng lớn và phức tạp. Đối tượng khảo sát, nghiên cứu liên quan đến một vùng tài nguyên to lớn, nhằm tổ chức một cỗ máy sản xuất khổng lồ gồm hàng trăm xí nghiệp công nghiệp, sử dụng hàng vạn lao động, cùng hoạt động đời sống nhiều mặt của một cộng đồng cư dân từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu người.
Quá trình xây dựng và hoạt động đô thị là dài lâu, ảnh hưởng không ít đến môi trường và cảnh trí thiên nhiên. Đô thị còn là một thực thể xã hội rộng lớn, vận động không ngừng với những quy luật đặc thù theo đặc điểm từng địa phương, từng thời kỳ, từng giai đoạn. Mỗi đô thị là một sản phẩm riêng biệt, không thể trộn lẫn, chắp vá, lắp ghép.
Tổng thể kiến trúc đô thị còn là một công trình nghệ thuật khổng lồ tác động đến mỹ cảm, đến đời sống tinh thần và hình thành tính cách không những từng con người cụ thể mà còn tác động lên tính cách của cả cộng đồng.
Vì vậy, việc nghiên cứu để quy hoạch một đô thị là một quá trình nghiên cứu dày công về nhiều mặt, cần sử dụng một khối lượng tri thức liên ngành rộng rãi với một đội ngũ chuyên viên đông đảo, được đặt dưới sự chỉ đạo của những nhà khoa học có uy tín, với một khối lượng kinh phí đầu tư thỏa đáng và một quỹ thời gian cần và đủ cho công việc.
Thời gian qua, trước sức ép của những bức xúc thực tế, với một quỹ thời gian có phần hạn hẹp, với một lượng kinh phí nghiên cứu còn thấp xa so với yêu cầu, và một chế độ đãi ngộ trên mặt bằng thu nhập bình quân của xã hội, nhiều công trình quy hoạch đã được tiến hành vội vã, chưa đủ độ chín trong tư duy, chưa đủ “tầm” để đề xuất những vấn đề dài hơi, có tính vĩ mô và mang ý nghĩa chiến lược.
Tình hình giao thông đô thị ở TP.HCM và Hà Nội hiện đã đến mức báo động đỏ. Đáng lẽ tất yếu này phải được các nhà quy hoạch dự báo từ xa trong những công trình quy hoạch tổng mặt bằng đô thị nhiều năm trước đây. Nếu làm được như vậy, thì đã khai thác được năng lực của hệ thống giao thông công cộng bằng những loại hình tối tân, do có kế hoạch chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Việc thoát nước cũng phải dự báo từ lâu bằng những công trình khoa học nghiêm túc để đề xuất về những biện pháp chuẩn bị từ xa. Còn thực tế thì ngay cả cơ quan quy hoạch TP.HCM vẫn chưa có trong tay bản đồ địa hình đúng chuẩn. Đó chỉ là một, vài trong rất nhiều ví dụ.
Về tổ chức và quản lý nhà nước
Mỗi đô thị là một cơ thể thống nhất trong tương quan nhiều mặt, phải được vận hành một cách nhịp nhàng bởi một bộ máy đủ năng lực và chỉ huy thống nhất. Trong thực tế, chúng ta từng thể nghiệm chế độ kiến trúc sư trưởng, nhưng năng lực cán bộ, hệ thống chính quyền đô thị chưa được xác lập một cách đồng bộ nên hiệu quả chưa được như mong muốn.
Đô thị hiện đang bị chia nhỏ ra nhiều phần, giao cho nhiều ngành quản lý, thực hiện. Chỉ tính riêng một tuyến đường trong thành phố, từ khâu đầu tư đến thực hiện và quản lý đã thuộc quyền không ít cơ quan từ giao thông, điện lực, cấp thoát nước, cây xanh… nay thêm bưu chính viễn thông và tương lai không biết còn những ngành nào tác nghiệp trên trục đường thành phố nữa?
Không một hoạt động nào của con người tác động vào môi trường tự nhiên trầm trọng bằng xây dựng và vận hành đô thị. Rác và nghĩa trang là những vấn nạn lâu dài đối với bất cứ đô thị nào, chưa kể hàng trăm nghìn người, một lượng đông đảo xe cơ giới đủ kích cỡ hoạt động tập trung trên chính không gian đô thị là những vấn đề phải đặt ra với môi trường, cần được nghiên cứu sâu và có hướng xử lý ngay từ khâu đặt bút thiết kế quy hoạch.
Quản lý đất đai hiện càng rối hơn. Giải quyết hậu quả của những “quy hoạch treo”, “quy hoạch quên” hiện lại đang nằm trong tay Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc cấp giấy hồng, giấy đỏ thể hiện sự lúng túng của tổ chức bộ máy nhà nước. Tổ chức chính quyền ba cấp, sao chép mô hình quản lý nông thôn rõ ràng đã không còn thích hợp với một cơ thể năng động như đô thị. Việc tìm kiếm một hình thức tổ chức nghiên cứu, vận hành và quản lý đô thị thích hợp và hàng loạt vấn đề cần được đặt ra như một yêu cầu cấp bách.
Về lực lượng quy hoạch
Lực lượng những người làm công tác quy hoạch đô thị kể cả trung ương lẫn địa phương xem ra còn quá mỏng so với khối lượng công việc. Có rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ nhưng quá ít những con chim đầu đàn. Được nghe trình bày quy hoạch một số đô thị, cảm nhận chung là các đồ án quy hoạch đô thị do những nhóm, tổ công tác khác nhau, căn cứ vào yêu cầu của từng địa phương để đưa ra những giải pháp cục bộ, biệt lập mà không cứu xét đến mối quan hệ vùng, trong một tương quan rộng lớn hơn mà thành phố đó có liên hệ. Kiểu chỉ thấy cây mà không thấy rừng.
Ở đây bộc lộ một thiếu sót nữa của cấp nhà nước, hoặc của bộ chuyên ngành, đó là chậm trễ trong việc tiến hành nghiên cứu quy hoạch vùng lãnh thổ, làm tiền đề, chỗ dựa cho quy hoạch từng đô thị, từng điểm dân cư. Không thể không đề cập đến tình trạng cát cứ, và để đáp ứng yêu cầu này của bên đặt hàng, các nhà quy hoạch dễ dàng “quy hoạch” cho mỗi địa phương một bến cảng, có khi cả một sân bay trong khi những công trình như vậy cần cứu xét cho một vùng hay một cụm liên tỉnh.
Cụm sân bay Trà Nóc, Rạch Giá, Cà Mau, có thể coi là một ví dụ. Để làm được điều này, nhà khoa học phải có sự dũng cảm bên cạnh những kiến thức chuyên ngành vững vàng, sâu rộng để có thể tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo bằng một thái độ chân thành và trung thực.
Những đồ án quy hoạch đã và đang được thực hiện hoàn toàn vắng bóng những nghiên cứu, đề xuất về cộng đồng dân cư đô thị, trong khi chính đối tượng này lại là một nhân tố trọng yếu trong quá trình hình thành và vận hành chính đô thị đó.