Sau cơn mưa lớn, đường phố Hà Nội ngập sâu trong nước. Ảnh tư liệu. |
Nhiều thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TPHCM hiện đang phải đối mặt với những vấn đề sinh thái như bầu không khí bị ô nhiễm, nước bẩn và ngập úng, tắc nghẽn giao thông, không gian kiến trúc kém thân thiện với môi trường…
Trong khi đó, cây xanh vốn có vai trò cực kỳ quan trọng cho vấn đề điều hòa không khí, là nhân tố chính giúp chuyển hóa khí carbon và tạo ra oxy rất cần cho sự sống nhưng quỹ đất dành cho cây xanh trong các đô thị ở Việt Nam hiện vẫn rất ít.
Đã thế người ta còn nhẫn tâm đốn bỏ không thương tiếc cây xanh khi làm vỉa hè mới, mở đường… Thậm chí, một số hộ dân buôn bán ở mặt tiền các con phố còn tìm mọi cách làm cho cây chết để thuận tiện trong giao dịch.
Ngoài hệ thống cống rãnh thì sông rạch, ao hồ, đầm lầy, mặt đất là những điều kiện tự nhiên giúp tiêu thoát nước rất tốt trong đô thị. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa, nhiều sông rạch, ao hồ ở các đô thị đã bị san lấp không thương tiếc. Nhiều vỉa hè đã được tráng xi măng hoặc lát gạch trông khang trang, sạch đẹp hơn trước nhưng theo các chuyên gia, điều này đã vô tình khiến cho lượng nước mưa không còn chỗ để tiêu thoát.
Mặt khác, hiện nay, phần lớn nhà ở, cơ quan ở các đô thị Việt Nam có kiến trúc hình hộp, cấu trúc khép kín với môi trường bên ngoài nên cần phải sử dụng máy điều hòa, quạt hút nên tiêu tốn không ít năng lượng. Điều này là phi sinh thái. Ở Pháp, 25% khí thải gây hiệu ứng nhà kính bắt nguồn từ việc sử dụng năng lượng tại các tòa nhà.
Do vậy, vấn đề cải cách trong ngành xây dựng nhằm giảm sử dụng năng lượng đã được Tổng thống Nicolas Sarkozy đề nghị và Quốc hội Pháp đã thông qua. Chính phủ Mỹ gần đây cũng đang có những bước đi mạnh mẽ chuyển sang mô hình kinh tế năng lượng xanh mà điển hình là việc xây dựng thành phố xanh đầu tiên trên thế giới tại bang Florida.
Những xu thế tiến bộ ở các nước phát triển chắc chắn sẽ tác động đến ngành xây dựng nước ta trong thời gian tới. Chuẩn mực sinh thái có nhiều cấp độ khác nhau nhưng suy cho cùng, điều mà các đô thị cần hướng đến không phải để đạt thành tích trong xếp hạng đô thị mà quan trọng hơn là đem lại một môi trường sống tốt cho người dân.
Cần biết rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao hàng đầu thế giới với khoảng 150.000 ca mỗi năm (gấp hơn 10 lần số người chết vì tai nạn giao thông). Theo giới khoa học, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ung thư và nhiều bệnh khác là do ô nhiễm môi trường sống. Như vậy, nếu chuẩn mực sinh thái càng được chú trọng thì môi trường sống càng ít bị ô nhiễm và sức khỏe của nhân dân cũng sẽ tốt hơn!
Thiết nghĩ, Luật Quy hoạch đô thị của Việt Nam cần bám sát những chuẩn mực tiến bộ của thế giới, đặc biệt là chuẩn mực về sinh thái, nhằm khắc phục những bất cập và hướng đến những tiêu chí văn minh theo xu thế chung của thời đại.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG