Sau khi có nhiều ý kiến về chức danh Kiến trúc sư trưởng trong dự thảo Luật quy hoạch đô thị, đã có sự thay đổi là Kiến trúc sư trưởng sẽ kiêm nhiệm Chủ tịch hội đồng kiến trúc Quy hoạch.
Tuy nhiên, với một mô hình đã không thành công trong suốt 10 năm thí điểm thì nên xem xét tới việc thí điểm một lần nữa.
Chưa có cơ sở khẳng định mô hình kiến trúc sư trưởng hiệu quả
Hà Nội và TPHCM là hai thành phố đã thực hiện thí điểm mô hình Kiến trúc sư trưởng làm nhiệm vụ quản lý nhà nước từ năm 1992. Đến năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Sở Quy hoạch kiến trúc thay thế Kiến trúc sư trưởng thành phố.
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, hiện nay, khi còn chưa đủ căn cứ và cơ sở khoa học để khẳng định mô hình Kiến trúc sư trưởng có hiệu quả. Mặt khác, mô hình này đã được thí điểm trong 10 năm nhưng chưa thành công, do đó chúng ta chưa nên quy định quá cứng nhắc bằng việc đưa vào Luật.
Vì vậy, thành phố Hà Nội đề nghị bỏ điều 18 trong Dự thảo Luật quy hoạch đô thị. Thành phố cũng đề xuất, trước mắt có thể giao Chính phủ triển khai thí điểm mô hình này với nội dung khác mô hình đã thí điểm trước đây.
Theo mô hình Kiến trúc sư trưởng làm “tư vấn” cho Chủ tịch UBND thành phố, không làm chức năng quản lý nhà nước và có thể kiêm nhiệm là Chủ tịch Hội đồng kiến trúc quy hoạch. Như vậy, sẽ không chồng chéo với chức năng nhiệm vụ của các Sở, ngành thuộc thành phố (như Hội đồng kiến trúc quy hoạch đã hoạt động nhiều năm nay).
Cuối tháng 4, dự án Luật quy hoạch đô thị đã được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên hợp thứ 19. Tại đó, cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định có chức danh Kiến trúc sư trưởng vì cơ chế quản lý đầu tư, xây dựng hiện nay rất khó cho việc thực hiện vai trò của Kiến trúc sư trưởng.
“Công chức hoá” kiến trúc sư trưởng
Đối với chức danh Kiến trúc sư trưởng, có lẽ cần phải xem xét lại mô hình thí điểm tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM trong 10 năm qua. Điều dễ nhận ra nhất là cá nhân kiến trúc sư trưởng đã bị công chức hóa.
Kiến trúc sư trưởng đã dành quá nhiều thời gian vào các công việc liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng như: tổ chức cấp phép xây dựng, thỏa thuận địa điểm xây dựng, kiến trúc quy hoạch.
Trong khi đó với chức năng chính là tham mưu chuyên môn trong việc quản lý phát triển không gian đô thị, trong quy hoạch kiến trúc lại không được thực hiện tương xứng như đã đề ra.
Theo GS. TS Đặng Hùng Võ, luật cần định nghĩa rõ các chức danh khi xử lý mối quan hệ giữa chính quyền đô thị - tư vấn - nhân dân, đặc biệt cần phân định rõ Kiến trúc sư trưởng làm nhiệm vụ tư vấn hay quản lý chính quyền?
Nhiều chuyên gia cho rằng, với tốc độ đô thị hóa đang gia tăng nhanh chóng như hiện nay, Việt Nam rất cần có Kiến trúc sư trưởng - một nhạc trưởng uy tín, có năng lực để đô thị mới hình thành và phát triển quy củ, có bản sắc.
Bởi vậy, nên có thiết chế kiến trúc sư trưởng nhưng chức năng, quyền hạn phải khác trước đi nhằm bảo đảm sự thống nhất về không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quá trình phát triển và giữ gìn bản sắc của đô thị.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Kiến trúc sư trưởng. Theo đó, Kiến trúc sư trưởng đồng thời là chủ tịch hội đồng kiến trúc quy hoạch ở đô thị có Kiến trúc sư trưởng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về mô hình này.
Chỉ còn khoảng chục ngày nữa là tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII và luật quy hoạch đô thị sẽ được đưa ra xem xét. Tuy nhiên, cho đến nay, trong bối cảnh mô hình thí điểm Kiến trúc sư trưởng trước đó đã không thành công và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Kiến trúc sư trưởng theo dự thảo luật chưa rõ ràng (sẽ do Chính phủ quy định sau) thì sự lo ngại của các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta nên cân nhắc thêm một lần nữa thí điểm đối với mô hình Kiến trúc sư trưởng trước khi đưa vào luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí