Theo đánh giá của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Luật Xây dựng hiện hành có 1 chương quy định về quy hoạch xây dựng, trong đó có quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, quy định của Luật mới chỉ mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể về quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch cũng như các quy định về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đô thị.
Quy trình, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Các quy định về lấy ý kiến cộng đồng khi lập quy hoạch cũng như việc công khai, cung cấp thông tin quy hoạch chưa đầy đủ và chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Một số vấn đề quan trọng khác như quy hoạch và quản lý không gian ngầm, kinh phí, nhân lực cho công tác lập và triển khai quy hoạch cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch còn thiếu quy định cụ thể, chưa tạo ra được một hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Thực tế hiện nay, đô thị đang phát triển khá “nóng”, lộn xộn và tự phát. Trong tình hình như vậy, Luật Quy hoạch Đô thị ra đời có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các đô thị nên đã được xã hội đặc biệt quan tâm. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Dự thảo mới lần này gồm 77 điều, giảm 4 điều, trong đó bỏ 5 điều, nhập 8 điều, bổ sung 5 điều, sửa đổi nội dung và chỉnh lý kỹ thuật, văn phong 71 điều.
Trả lời về thứ tự ưu tiên giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác, ví dụ như quy hoạch phát triển giao thông đô thị, quy hoạch ngành giáo dục, y tế... để bảo đảm sự thống nhất của các loại quy hoạch trong đô thị, quy định rõ quy hoạch nào làm chuẩn để các quy hoạch khác phải theo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Các quy hoạch ngành trong đô thị phải dựa trên quy hoạch chung đô thị. Trong trường hợp đã có quy hoạch ngành được phê duyệt thì khi lập quy hoạch chung đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch chung, cơ quan có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phải bảo đảm các quy hoạch trong đô thị không có sự chồng chéo, mâu thuẫn với nhau.
Đối với quy hoạch sử dụng đất trong đô thị và quy hoạch đô thị, về bản chất, hai loại quy hoạch này đều có nội dung liên quan tới việc xác định mục đích, chức năng sử dụng đất cho các khu vực trong đô thị. Mục tiêu và nhiệm vụ của quy hoạch đô thị là căn cứ vào tiềm năng, yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài của từng đô thị, từng khu vực cụ thể để xác định quy mô, ranh giới, tính chất, chức năng của từng khu đất trong đô thị, quy định về nguyên tắc việc kiểm soát phát triển cho từng khu vực đó về mặt không gian, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật... Do đó, nội hàm của quy hoạch đô thị đã bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất trong đô thị. Vì vậy, trong đô thị chỉ lập quy hoạch đô thị, không lập quy hoạch sử dụng đất riêng theo quy định của Luật Đất đai.
Đa số ý kiến của các đại biểu QH đồng ý về các quy định phân loại đô thị. Tuy nhiên cũng có ý kiến cân nhắc có thêm những tiêu chí nào nữa không và định lượng từng tiêu chí như thế nào cho phù hợp với thực tế.
Xoay quanh vấn đề quy định về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng cũng còn có ý kiến khác nhau. Trên thực tế, thiết chế Kiến trúc sư trưởng đã được thực hiện thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM nhưng điều quan trọng là phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ, phải tìm được Kiến trúc sư trưởng thực sự có năng lực, có trình độ, có tiếng nói đủ mạnh.
Thẩm quyền quy hoạch đô thị đặc biệt, cụ thể là Hà Nội và TP.HCM cũng có ý kiến khác nhau. Phải xem xét giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch đất đai như thế nào cho rõ ràng, rành mạch. Các đại biểu nhất trí quan điểm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn xa và mang tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị rà soát lại một số điều để đảm bảo sự thống nhất luật, không nên quy định quá cứng khiến cho khó xoay xở, xử lý nhưng cũng không nên qúa lỏng khiến cho việc quy hoạch thay đổi quá nhiều (đã có thành phố thay đổi quy hoạch đến 9 lần). Một thực tế nhức nhối đang diễn ra là người bị thu hồi đất thì không được lợi, còn người ở sát các khu đất bị thu hồi thì được lợi lớn. Từ đó nảy sinh nhiều tiêu cực như che giấu quy hoạch để mua đất trước khi công bố hoặc nắn chỉnh quy hoạch để tư lợi.
Ngoài ra, còn một số điều không có trong dự thảo cũng được các đại biểu đề cập như: Lấy đất nông nghiệp làm đô thị, làm KCN, đất dự phòng để mở đường cho lâu dài và những quy định mang tính nguyên tắc để mở đường...
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị quy định: Đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, II, III, IV và V theo các tiêu chí: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị; Quy mô dân số; Mật độ dân số; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng.
Việc xác định cấp quản lý hành chính đô thị được quy định như sau:
- TP trực thuộc Trung ương phải là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I;
- TP thuộc tỉnh phải là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III;
- Thị xã phải là đô thị loại III hoặc loại IV;
- Thị trấn phải là đô thị loại IV hoặc loại V.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng