Từng ào ạt triển khai, mời gọi đầu tư nhưng sau nhiều năm khởi công, hàng loạt dự án, công trình có vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD ở miền Tây Nam Bộ trở nên ì ạch, thậm chí có nhiều dự án trở về... điểm xuất phát. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến đời sống người dân trong các vùng quy hoạch.
Điển hình là công trình ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang gồm dự án xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy và nhà máy đóng tàu (do Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN - VINASHIN - làm chủ đầu tư) tại khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu và các dự án trong cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A.
Khởi công hoành tráng, thi công đìu hiu
KCN Sông Hậu có diện tích trên 300 ha, nay vẫn còn là một bãi đất trống mênh mông, đầy cát và um tùm cỏ dại. Cách đây hơn 2 năm (ngày 30-4-2007), lễ khởi công xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy và nhà máy đóng tàu tại KCN này đã diễn ra hết sức hoành tráng.
Nhà máy đóng tàu Hậu Giang có tổng vốn đầu tư là 1.100 tỉ đồng, được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là 766 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 60 ha, đóng được tàu có trọng tải 30.000 DWT, khi đi vào sản xuất sẽ thu hút được khoảng 5.000 lao động; giai đoạn 2 nâng cấp và mở rộng với số vốn 350 tỉ đồng, đóng tàu có trọng tải từ 50.000 - 70.000 DWT.
Cụm công nghiệp tàu thủy sẽ xây dựng trên diện tích 290 ha với số vốn đầu tư 1.700 tỉ đồng. Cũng tại đây sẽ có các nhà máy, như: nhà máy sản xuất container lớn nhất phía Nam với công suất 120.000 container/năm; nhà máy lắp ráp động cơ thủy công suất lớn, các cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng, cảng của hệ thống sà lan Bắc Nam và nhà máy nghiền xi măng 1 triệu tấn/năm..., dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động, tổng mức đầu tư 60.000 tỉ đồng.
Nhà máy đóng tàu và cụm công nghiệp tàu thủy Hậu Giang được thi công từ năm 2007 – 2010; dự kiến năm 2008 sẽ đóng tàu có trọng tải 20.000 DWT. Tuy nhiên, nay đã bước sang giữa năm 2009 mà vẫn chưa thấy gì!
Tại lễ khởi công khi ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và VINASHIN cần phải kiểm soát chặt chẽ các dự án, bảo đảm tiến độ thi công chất lượng, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay dự án này chỉ mới tập kết được lèo tèo vài thiết bị, máy móc, để cỏ dại bao vây; công trường hết sức vắng vẻ, số công nhân chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Sau 14 tháng, kế hoạch vẫn là... kế hoạch
Cách KCN Sông Hậu khoảng 10 km là một “đại công trường” khác: Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ở đây cũng vắng như chùa Bà Đanh!
KCN này cũng có một “siêu dự án” là nhà máy giấy Lee & Man, xây dựng trên diện tích 200 ha, tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD; tổng công suất 630.000 tấn/năm; sau đó sẽ nâng lên hơn 2 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoạt động sau 14 tháng kể từ ngày khởi công (6-8-2007) nhưng đến nay, kế hoạch ấy vẫn còn... trên giấy.
Trước sự ì ạch của 2 dự án nói trên, cuối tháng 4 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Phong Quang cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh này đã khảo sát, kiểm tra và yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công.
Điều đáng nói là tình trạng “rùa” của các dự án này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong vùng quy hoạch. Trong khi chưa có giải pháp nào xử lý hiệu quả tình trạng ì ạch đó thì tỉnh Hậu Giang tiếp tục mời gọi đầu tư vào hàng loạt nhà máy, dự án tại KCN Sông Hậu và cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A.
Chậm bồi thường cho dân
Ngày 15-4, Tỉnh ủy Hậu Giang và lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PetroVN) về việc triển khai dự án Trung tâm Điện lực Sông Hậu, Nhà máy Điện Sông Hậu 1 tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A.
Theo quy hoạch, Trung tâm Điện lực Sông Hậu có tổng diện tích khoảng 360 ha với công suất 5.200 MW, có 3 nhà máy sẽ được triển khai xây dựng.
Đến nay, việc chuẩn bị để giải phóng mặt bằng dự án Trung tâm Điện lực Sông Hậu đã hoàn tất. UBND huyện Châu Thành là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng trong vùng quy hoạch.
Trước mắt, tỉnh sẽ bàn giao cho PetroVN khoảng 20 ha trước ngày 30-6 để chuẩn bị khởi công vào dịp 2-9. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hộ dân vẫn chưa được bồi thường tiền giải tỏa nhà.
Không ít hộ dân đã nhận tiền vì đất sản xuất đã giao cho nhà đầu tư, lại không có việc làm nên tiền bồi thường đất đã nhận ngày càng vơi dần, nhiều hộ nay đã trắng tay.
Éo le nhất là trường hợp gia đình bà Lê Thị Sảnh, SN 1937. Gia đình bà Sảnh có 13 nhân khẩu, chỉ có 5.206 m2 đất ruộng, làm đủ ăn nhưng 2 năm nay, cuộc sống gia đình bà lâm vào cùng cực vì toàn bộ diện tích đất nằm trong dự án bị bơm cát lấp đầy trong khi gia đình bà Sảnh chưa được bồi thường đồng nào.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu A, cho biết: “Nhu cầu việc làm của lao động địa phương rất lớn. Toàn xã có 8.000 người trong độ tuổi lao động. Hiện các dự án đã chiếm phần lớn diện tích đất của địa phương nên chúng tôi đề xuất sớm hình thành cụm công nghiệp để giải quyết việc làm cho dân”.
Ông Châu Ngọc Triêm, Phó ban quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang:
Sẽ đề nghị thu hồi các dự án quá hạn
Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có một KCN và sáu cụm công nghiệp đang chuẩn bị giao đất cho nhà đầu tư. Trong đó, KCN Sông Hậu đã lấp đầy, giao hết đất cho nhà đầu tư nhưng tới nay chưa đi vào sản xuất, chưa có giá trị sản lượng công nghiệp, chưa xây dựng nhà xưởng.
Nhà máy giấy Lee & Man (cụm công nghiệp Phú Hữu A) đến giữa năm 2010 mới có thể hoạt động và có sản phẩm. Cụm công nghiệp Đông Phú 224 ha, nay đã bố trí cho 3 nhà đầu tư (chiếm 50% diện tích)...
Theo quy định, khi đã được giao đất, nếu quá thời hạn mà nhà đầu tư không triển khai dự án thì chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát đề xuất UBND tỉnh để từ đó có biện pháp xử lý, thu hồi.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động