Top

Thủ tục hành chính vẫn... hành dân

Cập nhật 14/06/2007 11:00

TPHCM đang quyết tâm rất cao trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn không ít nơi, người dân vẫn không ngớt kêu than khi có việc phải đối mặt với thủ tục hành chính. Loạt bài dưới đây sẽ nêu ra một số vụ việc cụ thể.

Bài 1: Người dân khổ với giấy hồng, giấy đỏ

Kể từ 3 năm nay, chưa bao giờ vấn đề cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở (giấy hồng), GCN quyền sử dụng đất (giấy đỏ) lại rơi vào tình trạng chậm chạp như thế. Sự bất nhất của các bộ chủ quản trong việc cấp giấy đỏ, giấy hồng khiến cho người dân đi từ nỗi cực nhọc này đến nỗi cực nhọc khác.

Giấy đỏ - chưa được 3 năm đã lỗi thời

Sau khi Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực, TPHCM đã triển khai cấp GCN quyền sử dụng đất đại trà cho người dân. Lúc này, việc cấp giấy hồng (theo Nghị định 60) bị ngừng lại, chờ triển khai cấp giấy hồng mới theo Luật Nhà ở.

Theo quy định, giấy đỏ cấp theo NĐ 181 chỉ cấp GCN quyền sử dụng đất. Còn tài sản trên đất gồm công trình xây dựng kho, xưởng, nhà ở... chỉ được ghi nhận một cách sơ sài.

Sau khi triển khai cấp giấy đỏ, dư luận đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, để cảnh báo việc có khả năng một ngôi nhà nhưng có đến 2 GCN, một giấy chứng nhận cho phần đất và một GCN cho phần nhà.

3 năm sau, Luật Nhà ở có hiệu lực, việc cấp giấy hồng được nối lại, lúc này đã xuất hiện những khúc mắc khó tháo gỡ. Đó là số phận của những giấy đỏ cấp theo NĐ 181 sẽ ra sao?

Cuối cùng, các bộ chủ quản đi đến thống nhất: Đối với những trường hợp nhà đất đã có giấy đỏ thì sẽ được cấp thêm một giấy hồng (theo NĐ 90, Luật Nhà ở) hoặc người dân có thể chuyển từ giấy đỏ sang giấy hồng để có một giấy duy nhất.

Đứng dưới góc độ hành chính, chỉ chưa đến 3 năm được cấp, một số giấy đỏ đã bị lỗi thời.

Theo thống kê của Sở TNMT, có hơn 100.000 căn nhà vướng vào trường hợp này. Nếu chỉ lấy mức bình quân, mỗi trường hợp xin cấp giấy hồng, chủ nhà phải bỏ ra 500.000 đồng (chủ yếu là tiền đo vẽ), thì với hơn 100.000 căn nhà, đã hàng chục tỉ đồng của dân bị lãng phí.

Bản vẽ... hành dân

Một trong những rắc rối phát sinh trong quá trình cấp giấy hồng mới theo Luật Nhà ở, đó là tình trạng không thống nhất trong cách làm giữa các quận, huyện. Trong đó, phổ biến nhất là yêu cầu kỹ thuật đối với bản vẽ nhà đất.

Đối tượng bị vướng nhiều nhất là các trường hợp xây dựng không phép, sai phép trước đây. Đối với các trường hợp nhà xây dựng không phép, sai phép trước đây, người dân đã có hồ sơ xin tồn tại theo Quyết định 139 của Thủ tướng Chính phủ, được UBND thành phố cụ thể bằng Quyết định 207, nhưng chưa có quyết định cho tồn tại, nay chuyển sang xin cấp giấy hồng đều gặp vướng mắc giống nhau ở khâu bản vẽ. Bởi yêu cầu đối với bản vẽ theo Quyết định 207 và Quyết định 564 (cấp chứng nhận nhà đất có một số khác biệt nhỏ).

Các quận như Thủ Đức, quận 3... yêu cầu người dân phải chỉnh sửa hoặc phải có bản vẽ mới theo yêu cầu của Quyết định 54. Ngược lại, quận Tân Phú thì không yêu cầu người dân phải bổ túc bản vẽ mới, chấp nhận bản vẽ cũ.

Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, trong một buổi giao lưu trực tuyến - khẳng định: "Việc bổ sung bản vẽ sẽ do cán bộ quận thực hiện, người dân không phải đo vẽ lại".

Để giải quyết các vấn đề còn chưa thống nhất trong yêu cầu đối với một bản vẽ nhà đất, ông Đỗ Phi Hùng cho biết, sở sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các quận, huyện về việc xử lý hồ sơ, từ việc xin tồn tại theo Quyết định 207 chuyển sang cấp giấy hồng theo hướng không bắt người dân phải đo vẽ lại...

Ngọc Huân
(Theo Lao Động)