Top

Tháo "nút thắt" nhà B6 Giảng Võ, Hà Nội: Dân đã thuận, chính quyền có quyết?

Cập nhật 15/03/2008 15:00

Việc cải tạo toà nhà chung cư cũ B6 Giảng Võ (Hà Nội) mấy năm qua bỗng trở nên "nổi tiếng" với trên 300 bài báo và hàng chục cuộc hội họp, cùng không biết bao nhiêu văn bản, giấy tờ.

Vụ việc kéo dài nhiều năm và vô hình trung trở thành "hòn đá tảng" chặn cứng chủ trương xã hội hoá việc xây dựng lại các nhà chung cư cũ nát nguy hiểm trên địa bàn thủ đô.

Nhiều năm bế tắc

Gần chục năm trước, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ quỹ nhà chung cư nguy hiểm trên địa bàn; lập đề án cải tạo xây dựng lại, công bố công khai để các nhà đầu tư tham gia thực hiện.

Tuy vậy, với nhà B6 Giảng Võ, từ năm 2004 đến cuối năm 2007,  quá trình tổ chức thực hiện gặp vô vàn bất cập từ phương án chọn nhà đầu tư, di dời, giải toả đến phương thức thực hiện... Thay vì tiếp tục thuyết phục các hộ dân để đạt được sự đồng thuận, phía cơ quan quản lý và chủ đầu tư lại áp dụng các biện pháp làm mất lòng dân hơn, trong đó có việc sớm công bố ngôi nhà này thuộc diện tối nguy hiểm, nhằm áp dụng những điều luật khẩn cấp để cưỡng bức thực hiện dự án.

Vậy là không biết bao nhiêu văn bản giấy tờ của các cơ quan chức năng thành phố cũng như đơn thư khiếu nại của dân gửi đi khắp nơi, làm cho địa chỉ B6 trở thành sự kiện nóng bỏng. Những động thái này không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ, mà còn làm đình trệ toàn bộ các dự án xã hội hoá xây dựng lại các chung cư cũ nát, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người dân đang mong chờ những chung cư mới hiện đại, cải thiện điều kiện sống (từ năm 2006 đến nay Hà Nội không khởi công xây dựng lại được một chung cư cũ nào).

Tự cứu mình trước khi... thành phố cứu!

Mặc dù các cấp chính quyền Hà Nội đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ bế tắc cho dân nhưng chưa có giải pháp nào có tính khả thi. Vậy là tự cứu mình trước khi... thành phố cứu, các hộ dân nhà B6 Giảng Võ đã cử ra một ban đại diện âm thầm tìm kiếm chủ đầu tư xây dựng lại chính căn nhà của mình. Được sự giới thiệu của một đồng chí lãnh đạo cao cấp, các cụ đã tìm đến Công ty TNHH một thành viên 36 Bộ Quốc phòng (gọi tắt là Công ty 36) - đơn vị đang xây dựng các công trình quan trọng của đất nước.

Rất nhanh chóng, Công ty 36 đã trực tiếp gặp gỡ các hộ dân nhà B6 đề xuất phương án xây dựng, cải tạo lại nhà B6 và 91% các hộ dân đã ký văn bản đồng ý với chủ đầu tư và phương án của chủ đầu tư. Theo phương án này sẽ phá dỡ toàn bộ toà nhà, đầu tư xây dựng mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong - ngoài nhà và công trình kiến trúc đồng bộ, với quy mô của một chung cư cao cấp hiện đại với chiều cao tối đa cho phép (dự kiến là 17-22 tầng).

Thiết kế các căn hộ với phương tiện và thiết bị đồng bộ, đủ điều kiện để sinh hoạt đạt tiêu chuẩn nhà chung cư cao cấp. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 228 tỉ đồng, với thời gian xây dựng 26 tháng kể cả phá dỡ. Mỗi hộ dân nhà B6 Giảng Võ sẽ có thêm khoảng 35m2 nhà không phải trả tiền cùng với diện tích căn hộ cũ (như vậy mỗi hộ dân sẽ được 70m2 nhà).

Ngoài ra, Công ty 36 còn cam kết hỗ trợ chi phí tạm cư hoặc bố trí tạm cư, chi phí dọn nhà, vận chuyển..., thủ tục vay tiền ngân hàng để mua thêm diện tích theo giá kinh doanh... Quan trọng hơn, Công ty 36 đã đề ra được một kế hoạch quản lý chung cư sau khi đưa vào sử dụng. Kế hoạch này nhận được sự nhất trí cao của 91% các hộ dân nhà B6 Giảng Võ.

Dân đã thuận, chính quyền có quyết?

Có 3 khó khăn lớn đặt ra trong công tác triển khai dự án cải tạo các chung cư cũ, đó là nhà tạm cư, giải pháp kinh tế kỹ thuật và cuối cùng là sự đồng thuận của dân cư trong chung cư. Chỉ có thể xây dựng, cải tạo chung cư cũ thành công nếu giải quyết được cả ba khó khăn này. Cả chủ đầu tư cũ và Công ty 36 đều đã giải quyết được 2 khó khăn đầu tiên, nhưng chỉ riêng Công ty 36 đạt được sự đồng thuận của dân cư.

Như vậy, "nút thắt" nhà B6 Giảng Võ đã có phương án giải toả vào đầu năm 2008 này. Dân đã đồng thuận, vấn đề còn lại là các cấp quản lý nhà nước, đặc biệt là UBND thành phố Hà Nội cần khẩn trương đưa ra quyết định để dân sớm thoát cảnh phấp phỏng, đợi chờ!

Theo Lao Động