Top

Người nghèo méo mặt vì nhà, đất

Cập nhật 15/03/2008 13:00

Ở Hà Nội, trong khi nhiều "đại gia" đang nắm trong tay 3-4 căn hộ, 2-3 lô với hàng ngàn mét vuông đất đầu cơ, nhiều biệt thự mua xong bỏ hoang, mặc cho rêu phủ… thì hiện vẫn còn hàng triệu người phải đi thuê nhà để ở, chưa thể mua nổi một thước đất để an cư. Có một ngôi nhà, lô đất dựng nghiệp là niềm khát khao, mong mỏi từng đêm của họ. Nhưng giá nhà đất cứ lên vù vù khiến nước mắt của người chưa có nhà ở cứ lăn dài…

 Khó kiếm "tấc đất cắm dùi"

Theo kế hoạch, vào cuối tháng 12-2007 vừa qua cặp tình nhân Hải-Trường (đang làm việc tại một cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT) sẽ cưới nhau. Thế nhưng, cho đến nay, đám cưới của họ vẫn phải hoãn lại do nhà trai chưa thể mua nổi một căn hộ để sau khi cưới đôi uyên ương sẽ dọn về nhà mới ở. Hải kể: "Từ tháng 9-2007 đến nay, suốt 7 tháng liền, tuần nào anh ấy cũng phải lăn lộn khắp các khu quanh Hà Nội để tìm nhà, tìm đất". Ban đầu, họ có 400 triệu đồng, định mua một căn hộ chung cư nhỏ.

Thế nhưng chỉ chậm vài tuần, giá chung cư đã "tót lên trời", từ 7-8 triệu lên tới 12-15 triệu đồng/m2 và hiện nay, ở nhiều nơi như Mỹ Đình, Láng Hạ đã là 20-25 triệu đồng/m2. Trường đành chuyển sang kế hoạch mua một mảnh đất để làm chái nhà cấp 4.

Thế nhưng, trong khi họ đang bàn cãi, loay hoay giữa việc nên mua ở làng Yên Phúc, Vạn Phúc (Hà Đông) hay ở Văn Điển (Thanh Trì) thì giá đất từ 8-10 triệu đồng đã "nhảy" lên 12 triệu đồng (hồi tháng 12-2007) và hiện nay là 15-18 triệu đồng/m2. Một lô đất đủ để ở (40m2) trị giá 600-700 triệu đồng, vượt khỏi túi tiền của họ.

Sau nhiều tháng ngày mệt mỏi, quên ăn quên ngủ, đọc báo, "sợt" mạng, rao vặt… cuối cùng, vợ chồng trẻ đành ngậm ngùi về tận ngôi làng nằm kề thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Tây), cách Bờ Hồ tới 20km, để mua một lô đất (loại giãn dân, không có sổ đỏ) với giá 7 triệu đồng (trong khi cách đây 4 tháng, giá ở đây chỉ có 1,5-2 triệu đồng/m2).

Tương tự, vợ chồng anh Phạm Hải, công tác tại một công ty truyền thông, cũng đang phải thuê nhà. Để an cư và trước tình trạng giá nhà thuê cứ đổi thay hợp đồng từng tháng, anh buộc phải gom tiền mua một lô đất để ở. Thế nhưng, suốt nhiều tháng qua anh đã lặn lội khắp khu phía Tây Hà Nội mà vẫn chưa thể mua nổi một "tấc đất cắm cùi" vì các chủ đất cứ liên tục hủy hợp đồng, đòi tăng giá, do thị trường đất đai liên tục "sốt". Không còn cách nào khác, anh phải lên tận xã Bắc Hồng (Đông Anh-Hà Nội, gần giáp sân bay Nội Bài) để mua 300m2 đất ruộng giá rẻ. 

Ước mơ tuột khỏi tầm tay

Hồi đầu, nhiều người còn "khinh" nhà chung cư. Năm 2003, mặc dù đang là đỉnh điểm của "cơn sốt" đất, nhưng giá một căn hộ chung cư cũ nát ở Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân-Hà Nội) cũng chỉ tầm 300 triệu đồng. Thế nhưng hiện nay, căn hộ rẻ nhất đã là 650 triệu đồng. Nhiều cặp vợ chồng mua xong, còn phải bỏ thêm 300-400 triệu đồng cải tạo, trang hoàng lại mới ở được.

 Năm 2004, khi khu đô thị mới Văn Quán (Hà Đông-Hà Tây) bắt đầu hoàn thiện và bán căn hộ, người có tiền thì "làm ngơ" vì cho rằng "xa lơ xa lắc". Kẻ khát khao nơi để ở thì lại không kiếm được tiền. Giá lúc đó chỉ có hơn 7 triệu đồng/m2. Một căn hộ 60m2 chỉ khoảng 450 triệu đồng. Thế nhưng, để mua được một "ô vuông" làm "tổ ấm" nhiều cặp vợ chồng phải trầy trật, vay mượn mới mua nổi.

Nhiều cặp vợ chồng cho rằng, ở chung cư không tiện (như chất lượng xây dựng kém, phải đóng quá nhiều khoản phí, thiếu nước sạch) nên chần chừ. Thật không ngờ, chỉ sau 3 năm, giá chung cư bỗng "lên trời".

Bây giờ, muốn kiếm một căn hộ như ở Văn Quán, Linh Đàm, Định Công, Mỹ Đình… bói cả tháng chưa chắc tìm được. Ông Đỗ Đức Thành, nhà ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc vừa cưới con trai, than thở: "Gần 4 tháng nay, chúng tôi lùng sục khắp các nơi mà chưa mua nổi một căn hộ cho con.

Giá chung cư cao quá sức tưởng tượng. Để mua được căn hộ 60m2, ở tận tầng 10 (dân miền Bắc không thích ở cao), hiện nay phải có trên 1 tỷ đồng. Chúng tôi đã góp được 800 triệu đồng, nhưng chưa đủ để mua một căn hộ chung cư loại xoàng".

Đến tận tháng 9-2007 vừa qua, khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên-Hà Nội) vẫn còn "ế" hàng trăm căn hộ. Lý do, đô thị nằm ở bên kia sông Hồng, gần khu nghĩa địa chưa giải tỏa. Giá bán chỉ có hơn 7 triệu đồng/m2. Vậy mà chỉ sau 2 tháng, bắt đầu từ tháng 11-2007 đến nay, ngày nào cũng có hàng trăm khách bủa sang săn lùng, hỏi han. Để mua được nhà, họ buộc phải chi thêm cho "cò" từ 60, 80 rồi tăng lên đến 100 triệu đồng tiền chênh lệch.

Hiện nay, số người có mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng mới có cơ may, hy vọng gom góp tiền để mua nhà, đất. Nhưng không phải ai cũng được mức lương như vậy. Phần lớn chỉ có mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Phần đông là 2-3 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, đối với người nghèo, ngôi nhà là một mơ ước xa vời. Chưa kể giá cả ngày càng đắt đỏ, họ phải vật lộn với cái ăn, cái mặc mỗi ngày.

Ngay cả rẻo đất nằm trải dọc bãi sông Hồng, kéo dài từ Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên (Tây Hồ) đến Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam (Thanh Trì)… mặc dù đang nằm trong quy hoạch khu đô thị Bắc sông Hồng, với hàng vạn dân lọt vào danh sách di dời, khiến thị trường đất đai "lạnh" mấy tháng liền, nhưng hiện giá cũng không nơi nào còn dưới 10 triệu đồng/m2.

Bãi An Dương nằm ở đầu đường Thanh Niên (Hồ Tây) cách đây 10 năm còn hoang vu, lau lách nhưng bây giờ, nhà cửa khắp nơi giăng kín. Nhà mặt đường đã có giá tới 40 triệu đồng/m2. Trong ngõ sâu, chạy ngoằn ngoèo, thậm chí có chỗ còn là đường đất, cũng 20-25 triệu đồng/m2.

Bên kia sông Hồng là đất Long Biên, Gia Lâm, nơi nhiều người cho rằng không được "địa lợi" như bên nội thành vì phải qua sông qua cầu, bất tiện, thường xuyên kẹt xe, tắc đường… nhưng giá cũng "nóng" không kém. Ngay cả những rẻo đất nằm dọc bờ tả sông Hồng thuộc các phường như Bồ Đề, Ngọc Thụy, Long Biên, Cự Khối… mặc dù là đất thổ canh, không có giấy tờ, "sổ đỏ" nhưng hiện cũng có giá tới 14-15 triệu đồng/m2 và "cứ hở mảnh nào ra là có người mua ngay lập tức".

Hưng, một công chức ở Hà Nội hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa thể mua nổi một căn nhà, vẫn phải thuê ở Long Biên, rất khát khao được sở hữu một mảnh đất, dựng chái nhà cho vợ con đỡ khổ.

Hưng cười chua chát, kể lại: "Cuối năm 2007, vì quá khát khao đất ở, trong khi cả tài sản chỉ có… 30 triệu đồng, tôi đã rủ thêm 2 người khác cùng mua một mảnh đất rộng khoảng 90m2 (có cả nhà) ở ngay sát mép bờ sông bị lở mà ông chủ của ngôi nhà chỉ đòi có… 75 triệu đồng. Rẻ giật mình! Nhiều người khuyên chúng tôi không nên mua vì ngôi nhà đang bị nghiêng lún, đất lở.

Thế nhưng, chúng tôi vẫn quyết định mua vì tính toán rằng sau khi mua xong, chỉ cần bỏ thêm vài chục triệu đồng, thuê thợ về đổ bê tông, đóng cọc chống xói lở, nên vẫn đặt cọc trước 30 triệu đồng để mua. Thế nhưng, chưa kịp bàn giao nốt tiền thì quay lại đã không còn thấy mảnh đất mà mình định mua đâu nữa. Cả một dãy nhà đều bị đổ ụp xuống sông Hồng và hiện nay rẻo đất này vẫn đang tiếp tục sạt lở. Nhiều xác nhà nằm chỏng chơ, bán chẳng ai mua, ở thì không dám".

Hàng triệu người vẫn đang khổ sở từng ngày từng đêm vì nơi ăn chốn ở. Thế nhưng, cái dự án nhà cho thuê ở dọc 2 bên đường Láng Hạ, đường Lê Văn Lương (như một dự án thí điểm) thì lại dậm chân tại chỗ đã gần 5 năm nay rồi….

Theo Sài Gòn Giải Phóng