Một quy định pháp luật về giấy chủ quyền nhà đất nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau dẫn đến rối rắm trong quản lý, gây phiền hà cho dân
Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm 1.1.2008, khoảng 62 loại giấy chủ quyền nhà, đất đã được cấp qua các thời kỳ trước và sau năm 1975 (gọi tắt là giấy trắng) sẽ không còn giá trị trong các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, mua bán, thế chấp...
Hiểu sao cũng được!
Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, căn cứ Khoản 1 Điều 66 Nghị định 84/CP, kể từ 1.1.2008, người dân có nhà, đất chủ quyền giấy trắng phải cấp đổi sang giấy đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở), sau đó mới được thực hiện các giao dịch như chuyển nhượng, mua bán, thế chấp, tặng cho, bảo lãnh góp vốn...Giấy trắng lúc này chỉ còn mỗi nhiệm vụ là xác nhận thời điểm tạo lập nhà đất.
Ông Hùng cho biết quan điểm của Sở Xây dựng TP là muốn thực hiện theo Luật Nhà ở để người dân có thời gian đổi sang một loại giấy nhằm dễ dàng quản lý, nhưng Nghị định 84/CP lại khống chế thời gian “hết đát” đối với giấy trắng...
Tuy nhiên, ông Đào Anh Kiệt, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP, lại cho rằng người dân không nhất thiết phải gấp rút đi đổi sang giấy mới như hiện nay. Bởi nếu căn cứ Khoản 2 Điều 66 Nghị định 84/CP thì có 2 nhóm đối tượng mà giấy trắng của họ vẫn có giá trị sau ngày 1.1.2008: Những trường hợp đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền trước ngày 1.11.2007 mà chưa được cấp giấy hồng hoặc giấy đỏ và những trường hợp người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai.
Như vậy, chỉ một quy định chung nhưng trong quá trình vận dụng đã có hai cách hiểu khác nhau. Chính điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý, còn người dân thì hoang mang chưa biết phải “chạy” theo đường nào. Song, một chuyên gia nhà đất phân tích: Nguyên nhân mâu thuẫn sâu xa trong cách hiểu chính là sự “cát cứ” của hai ngành vốn dĩ không thể tách rời là quản lý đất và nhà.
Sự ra đời của Nghị định 84/CP rơi vào lúc giấy đỏ còn thịnh hành, nên ngành đất đai muốn loại dần những giấy tờ của ngành nhà. Do đó mới có điều khoản “mở”, cho phép một số trường hợp giấy trắng (có quyền sử dụng đất) vẫn có giá trị sau giờ G, còn những giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu nhà phải đổi hết. Tuy vậy, sau này khi Luật Nhà ở với giấy hồng lại “lên ngôi” nên mới xảy ra cớ sự phải đổi màu cho giấy trắng.
“Bùng nổ” đổi màu giấy trắng?
Hiện chưa có cơ quan chức năng nào khẳng định cụ thể về số liệu nhà, đất trên địa bàn TPHCM đã được cấp giấy trắng. Có nơi cho rằng hiện chỉ có 60.000 trường hợp, nhưng nơi khác lại nói từ 80.000 - 100.000. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của chúng tôi, hiện còn khoảng 200.000 trường hợp giấy trắng.
Cũng theo số liệu chúng tôi thu thập được, tính từ thời điểm bắt đầu cấp giấy hồng theo Nghị định 90/CP đến hết năm 2003, toàn TP chỉ cấp được có 43.000 trường hợp. Nhìn chung việc cấp giấy hồng còn chậm và quá tải, nhất là tại một số quận, huyện đông dân cư nhưng ít cán bộ chức năng, như: Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình... Ở Gò Vấp, Chủ tịch UBND quận phải xin lỗi người dân để xin kéo dài thời gian thụ lý hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền từ 40 ngày theo quy định lên 80 ngày.
Mới đây, ngày 17 - 12, UBND TPHCM cũng đã có cuộc họp thống nhất rằng sau ngày 1.1.2008, giấy trắng phải được đổi sang giấy hồng mới được giao dịch. Như vậy, chắc chắn sẽ có đợt “bùng nổ” việc đổi màu cho giấy trắng. Điều này khiến tình trạng quá tải nay càng thêm quá tải và hậu quả là người dân sẽ lãnh đủ.
Việc thống nhất các loại giấy tờ nhà, đất để đưa về một loại cho dễ quản lý, tạo thuận lợi trong các giao dịch, bảo đảm các quyền cho người dân là chủ trương đúng đắn, nhưng cách thức thực hiện như thế nào để giảm phiền hà cho người dân là điều cần tính tới.
Theo ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, với số lượng hồ sơ quận phải giải quyết như hiện nay, cộng thêm số nhà đất đã có giấy trắng, thì đến hết năm 2010 cũng không thể cấp giấy hồng xong.
Chưa cần thiết?
Để hạn chế những tác động đến người dân đang có giấy trắng, ông Đào Anh Kiệt, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho rằng chưa cần thiết phải cấp đổi từ giấy trắng sang giấy hồng trước khi chuyển nhượng.
Khi nào người dân chuyển nhượng, mua bán... cơ quan chức năng Nhà nước sẽ kết hợp thực hiện việc cấp đổi luôn. Việc này vừa thuận lợi, vừa tránh tình trạng quá tải cho bộ máy. Đối với hàng chục ngàn trường hợp giấy trắng đang thế chấp tại các ngân hàng, nếu có nhu cầu cấp đổi thì ngân hàng, người dân và cơ quan chức năng Nhà nước sẽ cùng phối hợp giải quyết sao cho thuận tiện nhất.
Theo Người Lao Động