Top

Mời gọi đầu tư khu đất 5,9 ha ở Đầm Sen

Cập nhật 24/12/2007 15:00

Khu đất 5,9 ha Đầm Sen (phường 3, quận 11 - TPHCM) vốn nổi tiếng với “thâm niên” quy hoạch treo gần 30 năm và đến 2005 mới được xóa treo. Hiện UBND quận 11 đang mời gọi đầu tư vào khu đất trên.

Ông Nguyễn Hoàng Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận 11 đã có cuộc trao đổi với báo giới

* Ông có thể cho biết đôi nét về khu đất này?

Toàn bộ khu đất mời gọi đầu tư có diện tích 59.200 m2, trong đó có 442 hộ dân và 2 doanh nghiệp phải giải tỏa trắng. Khu đất này nằm giữa khu A và khu B của Công viên Đầm Sen và bị treo theo quy hoạch Công viên Văn hóa Đầm Sen từ năm 1977. Đến năm 2005, UBND TPHCM đã đồng ý xóa treo và giao lại cho UBND quận 11 thực hiện đền bù giải tỏa và xây dựng một số công trình công cộng.

Trong thời gian qua, quận đã thực hiện lại quy hoạch khu vực này. Nhưng rất khó để tìm được nguồn vốn đầu tư. Vào thời điểm xóa treo, tổng chi phí đền bù giải tỏa là khoảng 300 tỉ đồng, nhưng đến năm 2007, khi áp dụng giá đền bù sát giá thị trường thì chi phí này lên tới 620 tỉ đồng.
 
Nếu tính thêm cả chi phí xây nhà tái định cư thì ước khoảng 1.000 tỉ đồng. Quận không kham nổi nên vào tháng 10 - 2007, đã xin TP hỗ trợ và UBND TP chấp thuận cho quận kêu gọi đầu tư để thực hiện dự án.

* Vậy cụ thể dự án sẽ được thực hiện như thế nào?

Chủ đầu tư phải bỏ vốn thực hiện đền bù giải tỏa và bảo đảm tái định cư cho cả 442 hộ dân cùng 2 doanh nghiệp giải tỏa trắng trong khu 5,9 ha cùng với 300 hộ bị ảnh hưởng của dự án đường vành đai Đầm Sen (kéo dài từ đầu đường Lạc Long Quân đến hẻm 152 Lạc Long Quân).

Ngoài ra, chủ đầu tư phải giao lại cho quận 1 ha để xây trường học và nhà thiếu nhi. Phần đất còn lại (4,9 ha), chủ đầu tư được xây trung tâm thương mại và nhà ở cao tầng để thu hồi vốn nhưng phải dành quỹ nhà cho những người dân muốn tái định cư tại chỗ.

* Hiện nay, việc mời gọi đầu tư đã thực hiện đến đâu?

Quận đã tổ chức giới thiệu dự án với sự tham dự của hơn 10 đơn vị, trong đó có những công ty lớn như Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà... Cuối tháng 12 - 2007, sẽ hết hạn nhận hồ sơ.

Quận sẽ xem xét chọn chủ đầu tư theo các tiêu chí: năng lực tài chính, kinh nghiệm và có phương án đền bù giải tỏa cần ngân sách hỗ trợ thấp nhất hoặc hỗ trợ cho ngân sách quận cao nhất. Dự kiến cuối quý I/2008, sẽ báo cáo UBND TP quyết định chủ đầu tư. Nếu thuận lợi, trong năm 2008 sẽ tiến hành đền bù giải tỏa.

Theo Người Lao Động