Top

"Nghệ thuật" biến đất công thành đất tư

Cập nhật 25/02/2008 10:00

Đục khoét của công

Suốt nhiều năm qua, Trung tâm Giống nông nghiệp - gọi tắt là Trung tâm giống (trực thuộc Sở Thủy sản nông lâm TP Đà Nẵng) không thể hoạt động, chỉ vì đất đai ở các đơn vị trực thuộc biến hết thành của tư.

Từ năm 2000, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương thu hồi đất tại Trại thực nghiệm nông lâm nghiệp Hòa Khánh - gọi tắt là Trại Hòa Khánh (trực thuộc trung tâm) để xây dựng khu phố chợ Hòa Khánh. Ngày 7.7.2002, các cơ quan chức năng gồm Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND quận Liên Chiểu và một số đơn vị khác đã xác định diện tích đất ở Trại Hòa Khánh là 19.891m2.

Ngày 23.9.2003, do nhu cầu của dự án, UBND TP Đà Nẵng chỉ thu hồi có 17.755m2 với tổng số tiền đền bù là 790 triệu đồng. Sau khi được thông báo giá trị đền bù, ông Phan Xuân Mia (công nhân của trại) đã bàn bạc với bà Văn Thị Xuân (Trại trưởng Trại Hòa Khánh) làm giả công văn đến Ban quản lý các dự án tái định cư rút 305 triệu đồng.

Theo Sở Thủy sản nông lâm TP Đà Nẵng, số tiền này đã được bà Xuân chi sai nguyên tắc vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả chuyện đầu tư 91 triệu đồng để... xây dựng trái phép hai căn nhà trên đất thuộc Trại Hòa Khánh. Trong công văn số 304/QĐ-TSNL do ông Trần Văn Huy - Giám đốc Sở Thủy sản nông lâm ký ngày 29.8.2005, ghi rõ: "Bà Xuân cho phép nhân viên soạn thảo văn bản rút 305 triệu đồng một cách vô nguyên tắc, chứng từ thu chi không rõ ràng, mờ ám. Qua kiểm tra chứng từ di chuyển cây con đã biểu hiện sự cố tình tham ô...".

Đến nay, dù đã có kết luận của Thanh tra TP Đà Nẵng, song cả bà Xuân và ông Mia cũng không bàn giao hai căn nhà cũng như nộp lại khoản tiền đã chi sai. Đáng chú ý là đất của Trại Hòa Khánh đã mất hơn 2.000m2 (trước khi bàn giao cho Trung tâm giống) đến nay vẫn chưa xác định được ai sai phạm.

Tuy nhiên, vụ việc trên cũng chưa "thấm tháp" gì so với trình độ đục khoét siêu hạng ở Trại giống thủy sản Thọ Quang do ông Trần Khánh làm trại trưởng. Tại trại này, đã xảy ra hàng loạt các sai phạm đặc biệt nghiêm trọng làm thất thoát tiền đầu tư của Nhà nước, lẫn tiền đền bù khi thu hồi đất.

Theo Sở Thủy sản nông lâm TP Đà Nẵng, cụ thể, việc ông Nguyễn Hoàng Phước thuê đất của trại để xây dựng bể nuôi tôm không có hồ sơ thiết kế, không có giấy phép xây dựng; các hộ Huỳnh Ngọc Lơi (thực chất là của ông Trần Khánh), Trần Quang Hinh, Võ Đắc Tín, Phạm Viết Lộc không có đầu tư xây dựng hồ nuôi tôm gì cả nhưng không hiểu sao vẫn được Ban Quản lý dự án Sơn Trà - Điện Ngọc đền bù cho gần tỉ đồng.

Đáng chú ý, theo Sở Thủy sản nông lâm, Trại Thọ Quang đã "để cho người dân vào đập phá, san bằng để phi tang dấu vết, trong lúc vừa mới kiểm định xong". Lãnh đạo Sở Thủy sản nông lâm kết luận: "Các cá nhân này dùng chính sách đền bù giải tỏa để lấy tiền nhà nước, làm lẫn lộn tài sản công và tài sản cá nhân; có dấu hiệu xóa hiện trường thực tế, làm lẫn lộn phần nhà nước xây dựng và phần cá nhân để nhận tiền đền bù".

Dù sai phạm ở hai trại hết sức nghiêm trọng, nhưng không hiểu sao, lãnh đạo Sở Thủy sản nông lâm lại viện lý do liên quan đến "một số địa phương, số ngành, số cơ quan ngoài ngành thủy sản nông lâm cũng như một số cán bộ trong và ngoài ngành" rồi làm ngơ, xử lý nửa vời, thậm chí có dấu hiệu bao che, dung túng để đất và tiền nhà nước chảy vào túi cá nhân.

Tuy nhiên, việc mất đất, mất tiền ở hai trại này cũng "chưa là cái đinh gì" so với việc hô biến mất tăm gần 160 ha đất tại Trại giống tằm Bà Nà, mà chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập ở kỳ sau.

Để hợp thức hóa giấy tờ nhằm rút ruột tiền đền bù tại Trại Hòa Khánh, bà Văn Thị Xuân có một cách làm "đáng để học hỏi". Lập thủ tục bố trí nhà tập thể cho cả những người không công tác tại Trại Hòa Khánh như ông Diệp Dân Hùng (cán bộ VP UBND TP Đà Nẵng), Trần Thị Thu, Đặng Văn Hồng... Bà Xuân tiếp tục bố trí 1 căn nhà tập thể cho ông Phan Xuân Mia (công nhân của trại).

Và sau đó, ông Mia đã... ký cấp 1 căn khác cho bà Xuân! Trong phi vụ này, 10 người được cấp nhà đã "ôm" của Nhà nước hơn 110 triệu đồng tiền đền bù.


Theo Thanh Niên