Ba giai đoạn đầu tư
Theo đề xuất của Công ty tư vấn Edaw, Thủ Thiêm sẽ chia làm ba giai đoạn phát triển:
Giai đoạn 1 (từ năm 2007-2010): Sẽ hoàn thành cơ bản 50% hạ tầng khu đô thị gồm các tuyến đường chính, hạ tầng dân sinh và chuẩn bị mặt bằng. Có khoảng 375ha đất cho hạ tầng giai đoạn 1 và hoàn thành vào năm 2010.
Giai đoạn này cũng tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư. Đồng thời xây dựng các trường học, các trung tâm triển lãm, các đầu mối giao thông, khu thương mại đa năng...
Giai đoạn 2 (từ năm 2011-2015): Tiếp tục xây dựng các hạ tầng kết nối và hạ tầng cơ bản, hoàn thành việc đắp nền và chuẩn bị mặt bằng bàn giao toàn bộ cho Thủ Thiêm.
Giai đoạn này sẽ xây dựng các tuyến đường kết nối vùng và các tuyến đường chính nội vùng như cầu Thủ Thiêm giai đoạn 2, cầu bộ hành, đường vành đai qua khu dân cư, cầu qua kênh rạch...
Giai đoạn 3 (từ 2016-2020): Hình thành các khu dân cư bờ sông, khu căn hộ cao cấp, khu phức hợp thể thao, quảng trường sân khấu và hoàn chỉnh các công trình còn lại.
Nhà đầu tư “dài cổ” chờ đền bù
Với những viễn cảnh trong tương lai, nhiều người ví Thủ Thiêm là “khu đất kim cương” của Tp.HCM.
Theo Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến nay có khoảng 100 công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đã tiếp xúc với ban quản lý, tìm cơ hội đầu tư tại khu đô thị. Tuy nhiên, tiến độ đền bù tại dự án quá chậm đã khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng.
Báo cáo với UBND Tp.HCM giữa tháng sáu vừa qua, Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết mới đền bù hơn 53% trong tổng số 690ha của khu đô thị (không kể diện tích các khu tái định cư). Theo kế hoạch, đến năm 2005 sẽ hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng kế hoạch này không hoàn thành, phải dời lại cuối năm 2006. Một lần nữa kế hoạch đền bù bị phá sản.
Tổng kinh phí đền bù dự án khoảng 13.000 tỉ đồng nhưng mới đền bù hơn 2.200 tỉ. Các khu đất đã đền bù trong tình trạng “da beo”, khó có thể triển khai một số công trình quan trọng. Đó là chưa kể việc triển khai các dự án tái định cư cho dân cũng rất chậm.
Một cán bộ ban quản lý dự án nói việc đền bù ảnh hưởng rất lớn tiến độ huy động vốn, kế hoạch phát triển dự án khu đô thị... Một vấn đề quan trọng khác mà các nhà đầu tư đang trông chờ là kế hoạch đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm.
11 năm sau khi Thủ tướng phê duyệt qui hoạch
Ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch xây dựng khu đô thị mới (khu đô thị mới) Thủ Thiêm.
Đầu năm 2002, UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng ban hành quyết định thu hồi 930ha diện tích khu đất thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tháng 11/2003, Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm được thành lập; ngày 2/11/2004, Tập đoàn Sasaki trình bày sản phẩm thiết kế đô thị khu đô thị mới Thủ Thiêm (sản phẩm đoạt giải nhì, không có giải nhất cuộc thi thiết kế).
Tháng 12/2005: Đại hội đại biểu Đảng bộ Tp.HCM lần thứ 8 đã quyết định khu đô thị mới Thủ Thiêm là một trong năm công trình, chương trình mang tính đòn bẩy giai đoạn 2006-2010.
Tháng 8/2006: UBND Tp.HCM ban hành chương trình hành động của khu đô thị mới Thủ Thiêm giai đoạn 2006-2010: theo đó, trong hai năm 2006-2007 phải hoàn thành qui hoạch chi tiết 1/500, bồi thường, thu hồi 657ha của khu đô thị và các khu tái định cư với diện tích 180 ha... Phấn đấu đến năm 2010 qui mô đầu tư đạt 40-50% qui hoạch (tương đương 2,5-3 triệu m2 xây dựng các khu nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ, trường học, bệnh viện...).
Tháng 1/2007: UBND Tp.HCM chỉ đạo thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư khu đô thị Thủ Thiêm nhằm huy động vốn để thực hiện chương trình trọng điểm này.
Theo Tuổi Trẻ