Thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Dư luận đang ồn ào chuyện chủ đầu tư dự án Mulberry Lane (phường Mộ Lao, Hà Đông) đang bị khách hàng cũ yêu cầu phải giảm giá, sau khi thị trường BĐS rơi vào tình trạng "đóng băng". Ông Lã Xuân Thắng (phố Trần Thái Tông - Cầu Giấy), đại diện các khách hàng làm đơn kiến nghị cho biết, ông là một trong những người đầu tiên đặt mua căn hộ tại dự án Mulberry Lane. Khi ấy, ông phải nhờ cậy nhiều mối quan hệ mới có một suất mua ưu đãi với giá khoảng 35 triệu đồng/m2. Giờ giá bán căn hộ đã hoàn thiện chỉ hơn 20 triệu đồng/m2. Đáng lẽ chủ đầu tư - Công ty Capitaland Hoàng Thành - phải thỏa thuận và xem xét điều chỉnh giá với những người mua nhà đầu tiên.
Khu nhà thuộc dự án Mulberry Lane tại Mộ Lao, Hà Đông.
|
Ngoài những bức xúc trước việc chủ đầu tư hạ giá bán mà không quan tâm đến khách hàng cũ, những người đồng hành với chủ đầu tư từ ngày bắt đầu dự án, ông Thắng chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư như: Không cung cấp cho khách hàng giấy xác nhận của sàn giao dịch BĐS; không thông báo cho Sở Xây dựng Hà Nội trước khi ký hợp đồng mua bán. Trong khi theo quy định, chủ đầu tư phải hoàn tất thủ tục mua bán nhà ở qua sàn giao dịch BĐS trước khi ký hợp đồng mua bán. Đồng thời, phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày ký hợp đồng huy động vốn. Cùng với đó, sai phạm trong thông báo giá bán căn hộ khi thỏa thuận đặt cọc bằng USD; giá bán căn hộ gồm cả thuế giá trị gia tăng giá trị quyền sử dụng đất; không quy định rõ quyền sở hữu chung, riêng với nơi để xe… Những sai phạm này được Thanh tra Bộ Xây dựng nêu tại văn bản 413/TTr-TTXD3, ngày 15-11, gửi đại diện các hộ dân.
Câu chuyện nêu trên phản ánh một thực tế là quan hệ chủ đầu tư - khách hàng tại nhiều dự án rơi vào cảnh "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Một phần là do khi thị trường BĐS "nóng", lợi nhuận hấp dẫn, nhiều sai phạm của chủ đầu tư thường dễ được bỏ qua, trong khi quy định quản lý, chế tài xử lý chưa nghiêm minh. Phần khác, khi thị trường BĐS "đóng băng" và dần trở về giá trị thực, nhiều khách hàng mới thấy "hớ" với số tiền lớn bỏ ra mua nhưng thiếu bảo đảm về pháp lý. Còn nhớ, thời BĐS có giá cứ mua được là thắng, thì có một suất căn hộ chung cư, nhà liền kề hay biệt thự thường phải có quan hệ, thế lực và có tiền. Người không có quan hệ thường phải mua qua trung gian, chịu chênh lệch so với giá gốc. Chênh lệch nhiều hay ít phụ thuộc độ "nóng" của dự án trên thị trường. Riêng mặt này, nhiều chủ đầu tư biết cách làm "nóng" dự án, tạo ra "sóng" để nâng giá; cứ đợt mở bán sau bao giờ giá cũng tăng hơn đợt mở bán trước. Và không ít khách hàng đã "ăn theo" những đợt "sóng" này. Không đắn đo, suy tính khi lợi nhuận lớn nên lúc "đóng băng", nhiều khách hàng mới ngã ngửa. Đang từ "thượng đế" nhiều người trở thành "con nợ". Cũng từ đó nảy sinh vô khối hệ lụy, trong đó có mâu thuẫn giữa khách hàng - chủ đầu tư. Nhiều dự án, chủ đầu tư tìm mọi cách thu nốt tiền của khách trước khi bàn giao nhà trong khi, người mua tìm mọi cách thoái thác, trì hoãn. Chủ đầu tư "dọa" tính lãi suất khoản chậm nộp, thu hồi lại nhà để bán cho người khác… nếu khách hàng không đến nhận bàn giao. Còn khách hàng tìm sai phạm của chủ đầu tư để gây sức ép trở lại, thậm chí sẵn sàng mất khoản "chênh", trả lại nhà cho chủ đầu tư với mong muốn thu lại giá gốc, trả nợ vay, còn hơn để càng lâu càng lỗ. Những căn hộ hào nhoáng trở thành quả đắng, cục nợ khó nuốt trôi.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới