Khoảng một tỉ USD được công bố đổ vào thị trường bất động sản với trên 10 dự án lớn từ đầu năm đến nay.
Bất động sản vẫn “khát tiền”
Vào tháng 2, ngân hàng Vietcombank cho Indochina Land vay 44 triệu USD để phát triển dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở Indochina Land ở Hà Nội, mà tổng vốn đầu tư là 145 triệu USD. Ngân hàng BIDV tháng 1 vừa qua cũng đồng ý cho Hoàng Anh Gia Lai vay 5.650 tỉ đồng dành cho các dự án bất động sản, cao su, khoáng sản, thuỷ điện trong giai đoạn 2009 – 2011. Trong đó có 650 tỉ đồng vốn ngắn hạn, phần còn lại cho trung, dài hạn. Giữa tháng 2 qua công ty Fei Yueh Việt Nam cũng khởi công xây dựng khách sạn năm sao Nikko Saigon ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1 với vốn đầu tư 100 triệu USD…
Từ đầu năm đến nay một số dự án bất động sản đã bắt đầu được ngân hàng tài trợ vốn. Chỉ tính riêng khoảng 10 dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội thì có khoảng một tỉ USD đổ vào thị trường bất động sản. So với cả năm 2008 dư nợ cho vay bất động sản của toàn hệ thống ngân hàng là 115.000 tỉ đồng, theo đánh giá của giám đốc một công ty bất động sản, tiền ngân hàng đổ vào bất động sản khởi đầu năm nay còn dè chừng.
Một số ngân hàng được hỏi đều tỏ ý sẽ không ngần ngại tài trợ vốn cho dự án bất động sản, nhưng đó phải là dự án tốt và thanh khoản. Theo ông Nguyễn Hoà Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Vietcombank, Indochina Plaza Hanoi là một dự án tốt mà Vietcombank đã thẩm định và chọn lọc để tài trợ vốn.
“Techcombank vẫn xem xét nhưng hạn chế, chỉ chọn lựa những dự án thực sự hiệu quả và thanh khoản”, ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc ngân hàng Techcombank cho biết.
Ông Võ Đình Quốc, phó giám đốc công ty cổ phần bất động sản Điện lực, cho biết một số dự án khởi động trở lại nhờ hỗ trợ từ tổ chức tài chính, nhưng không ít dự án phải chuyển nhượng vì không tìm ra vốn, dù lãi suất đã dễ chịu từ mấy tháng nay.
Tiêu dùng nhà ở hơn 80.000 tỉ đồng?
Khó khăn trong vay vốn ngân hàng khiến doanh nghiệp bất động sản tìm kiếm nguồn huy động thông qua trái phiếu. Đầu năm 2009, Hoàng Anh Gia Lai đã phát hành 350 tỉ đồng trái phiếu đợt 2. Công ty Vinaland vừa phát hành 100 chứng chỉ tiết kiệm nhà ở như một hợp đồng tín dụng để huy động vốn xây nhà. Tuy nhiên, việc còn chưa ngã ngũ do ngân hàng Nhà nước đang xác định lại vì đây không phải là trái phiếu doanh nghiệp, cũng không phải là giấy tờ có giá…
Tuy thận trọng đưa tiền cho chủ bất động sản, nhưng các ngân hàng thương mại lại rộng cửa cho vay cá nhân mua nhà ở, căn hộ. Hầu hết những ngân hàng mà chúng tôi tiếp xúc đều đưa ra con số cỡ ngàn tỉ trở lên cho hoạt động này. Vietcombank đang làm việc với Indochina về việc cung cấp các khoản vay cho người mua căn hộ của Indochina Plaza Hanoi. Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết sẽ dành khoảng 1.500 – 2.000 tỉ đồng riêng cho vay mua và sửa chữa nhà vài tháng tới.
Theo ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, Đông Á dành khoảng 4.000 tỉ cho vay tiêu dùng. Ngân hàng An Bình vừa tung ra chương trình vay tiền trúng vàng với tổng giá trị giải thưởng 100 chỉ vàng SJC và dành 3.000 – 5.000 tỉ đồng cho tín dụng tiêu dùng. Như vậy, nếu trung bình một ngân hàng dành 1.500 – 2.000 tỉ đồng cho vay mua nhà, sửa chữa nhà thì vốn gián tiếp đổ vào thị trường nhà đất ít nhất từ 65.000 – 86.000 tỉ đồng.
Lý do lớn nhất để các nhà băng mạnh tay cho vay mua nhà là bởi họ xem đó là hình thức cho vay tiêu dùng cá nhân liên quan đến thị trường bất động sản. Lượng vốn này đến với những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, có nguồn thu nhập độc lập với thị trường bất động sản nên ít bị ảnh hưởng khi thị trường này nóng hay lạnh.
Dù vậy, ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nói rằng, dù rủi ro tín dụng có giảm, nhưng đây là lượng vốn gián tiếp đổ vào thị trường bất động sản, giúp thị trường “sống” được bấy lâu nay. Nhiều dự án căn hộ đang rao bán với sự tài trợ của ngân hàng cho người mua, vẫn là dự án trên giấy.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị