Top

TP.HCM làm mới vỉa hè, sao dân chưa vui?

Cập nhật 15/03/2009 09:45

Hiện nay, để góp phần thực hiện Năm văn minh đô thị, trong năm 2009, các quận trong nội thành như 1, 3, 10,… đã tích cực tập trung vào việc cải tạo nâng cấp, chỉnh trang vỉa hè. Có quận kêu gọi sự đóng góp của các hộ ở mặt tiền để làm vỉa hè, có quận thì chỉ lấy mỗi nguồn tiền từ ngân sách... Tuy nhiên, điều đáng nói là vỉa hè được làm mới nhưng không ít người dân lại không vui!

Đào lên rồi để đó

Hơn một tháng nay, người dân sống trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, TP.HCM) kêu trời về tình trạng đào xới vỉa hè lên để đó khiến việc buôn bán, đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bà Cao Thị Hương buôn bán nước giải khát, tiệm tạp hóa tại nhà 105B Bà Huyện Thanh Quan, P.7, Q.3 cho biết, đơn vị thi công dùng xe cơ giới xới toàn bộ vỉa hè phía trước nhà bà lên rồi bỏ đó. Nửa tháng sau, một tốp công nhân khác đến xúc dọn xà bần rồi rải lớp bê tông lên làm bó vỉa.

Bà Hương buồn bã nói, chưa biết bao giờ họ đến lát gạch vỉa hè để gia đình bà có thể kinh doanh buôn bán lại được. Kế đó, hộ buôn bán bò bít tết cũng phải đóng cửa gần một tháng nay vì vỉa hè ngổn ngang đất cát.

Vòng qua đường Tô Hiến Thành (Q.10), vỉa hè cũng được xới tung lên.

Ông Lê Minh Tuấn, chủ cửa hàng buôn bán khóa cửa cao cấp (địa chỉ 395 Tô Hiến Thành), nhìn vỉa hè đầy đất đá lởm chởm buồn rầu, nói: “Đơn vị thi công làm quá chậm nên mười ngày nay cửa hàng tôi không buôn bán được gì, nếu kéo dài tình trạng này chắc chúng tôi đổ nợ”.

Còn vỉa hè phía bên Đại học Bách khoa (đường Tô Hiến Thành), xà bần đào từ vỉa hè lên được đơn vị thi công cho đổ dọc theo vỉa hè cao gần cả mét. Có đoạn vỉa hè thì bị đào sâu xuống nên các hộ dân khá vất vả khi dắt xe ra vào. Hậu quả của việc đào vỉa hè lên để đó không những gây khó khăn cho người dân mà còn nguy hiểm cho người đi đường.

Đơn cử chiều 10-3, do bị đơn vị thi công vỉa hè đường Tô Hiến Thành đào đất và xắn luôn cả rễ xung quanh nên một cây lim xẹt có đường kính khoảng 0,5m cao hơn 10m đã bất ngờ ngã đè nát 1 xe gắn máy đang lưu thông, làm 4 người khác bị thương.

Trên địa bàn quận 1, việc thi công vỉa hè cũng ì à, ì ạch chẳng khác gì ở đường Tô Hiến Thành. Vỉa hè đường Tôn Đức Thắng cũng bị đào xới lên, ngổn ngang gạch, đá. Nhiều ngày qua khách bộ hành không còn cách nào hơn là phải xuống lòng đường chen chân với xe gắn máy để đi. Người dân cũng phản ánh các tuyến đường Nguyễn Du, Lê Thánh Tôn,… cũng kéo dài việc thi công vỉa hè từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Thi công vỉa hè mới, vấn đề chất lượng lại được đặt ra

Hiện nay, vỉa hè của hàng chục tuyến đường trong thành phố đang được đào, bóc dỡ lên để lát loại gạch Terrazzo (loại 40cmx40cm). Tuy nhiên, điều khiến nhiều người dân TP lo lắng về chất lượng của vỉa hè lần này.

Thời gian qua, TP.HCM cũng từng xôn xao vụ gạch con sâu lát vỉa hè kém chất lượng. Sau đó, nhiều vỉa hè được làm loại bê tông đá sỏi rửa, có một số vỉa hè lát gạch bông. Vỉa hè được làm và có đội giám sát thi công của chủ đầu tư, nghiệm thu hẳn hoi và công trình được thiết kế có tuổi thọ 25 năm. Điều trớ trêu là chỉ qua vài mùa mưa, màu đỏ đậm của gạch con sâu bay mất thế vào đó chỉ còn cát lùi sùi nằm trên bề mặt gạch.

Nhiều vỉa hè như trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, một số gạch con sâu bể vụn, có chỗ vỉa hè lún, cong vênh lên trông mất mỹ quan đô thị. Còn bê tông sỏi rửa cũng chẳng hơn là bao. Sau một thời gian ngắn, lớp bê tông bong tróc, nứt nẻ sụp lún xuống. Còn bó vỉa, loại làm bằng đá nhưng không đúc chân móng nên cứ bị lún. Loại bó vỉa làm bằng bê tông còn thảm hại hơn. Qua vài mùa mưa lớp bê tông bong tróc vỡ ra như cám.

Nhiều người dân có ý kiến, nhân đợt làm vỉa hè trên quy mô lớn như vậy, Sở Giao thông Vận tải TP cần có sự kiểm tra, rà soát những tuyến đường nào cần làm vỉa hè, những tuyến đường nào chưa thật sự cần thiết làm lại để tránh lãng phí. Chất lượng gạch và thi công cần được giám sát chặt chẽ.

Đối với gạch lát vỉa hè cần có sự kiểm định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (đóng tại TP. Hồ Chí Minh) kiểm tra đạt yêu cầu về cường độ nén, độ bền màu, mác bê tông gạch, độ dày và kích cỡ, mới cho sử dụng.

Kế đến là hiện nay, ngành giao thông lại giao khoán tất cả cho quận. Quận giao xuống phường và phường đẩy xuống khu phố và khu phố thì cứ để cho đơn vị thi công tự tung, tự tác. Việc lo ngại về chất lượng là có cơ sở và mong rằng cơ quan chức năng sớm vào cuộc đừng nên để chuyện đã rồi…

Vỉa hè tốt vẫn làm lại?


Tại quận 1, nhiều người dân vẫn thấy “xót” khi nhiều vỉa hè còn tốt, khang trang như đường Nguyễn Du, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Đồng Khởi… cũng bị đào xới lên để làm lại. Theo phản ánh của người dân, vỉa hè của một số tuyến đường này mới đưa vào sử dụng khoảng 4 năm (theo thiết kế tuổi thọ của vỉa hè từ 20 đến 30 năm) thì nay bị đào lên làm lại?

Tuy nhiên, trao đổi với PV SGGP, một lãnh đạo UBND quận 1 lý giải, hiện nay trên địa bàn quận có một số hộ dân tự làm vỉa hè nên chưa đồng bộ về cốt nền, mặt vỉa hè có độ cao, thấp khác nhau gây khó khăn cho người đi bộ.

Có nhiều vỉa hè bị đào lên lắp đặt các công trình ngầm nhưng việc tái lập không đúng quy định khiến vỉa hè bị loang lổ... Do đó, việc làm mới vỉa hè để tạo bộ mặt mới khang trang cho thành phố để thu hút khách du lịch là cần thiết.

UBND quận 1 ra chỉ tiêu cải tạo làm mới 100% vỉa hè trên địa bàn quận 1. Hiện quận 1 đã cho tiến hành cải tạo vỉa hè 18 tuyến đường, còn 77 tuyến đường sẽ cải tạo vỉa hè từ đây cho đến năm 2010. Còn quận 3 cũng đã duyệt kế hoạch cải tạo lại vỉa hè trên 23 tuyến đường trên địa bàn quận.

Trong số này đã có một số tuyến đang được thi công cải tạo vỉa hè, một số tuyến khác đang được tổ chức đấu thầu thi công. UBND quận 10 cũng đã phê duyệt cải tạo vỉa hè trên 9 tuyến đường.

Hiện đang làm vỉa hè ở 3 tuyến đường là đường Tô Hiến Thành, Lý Thái Tổ và Ngô Quyền; còn 6 tuyến còn lại đang chờ ngày khởi công.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng