Top

Vụ sập dầm cầu Chợ Đệm: Trách nhiệm trước hết thuộc nhà thầu thi công

Cập nhật 14/03/2009 09:25

Nguyên nhân xảy ra sự cố thì có nhiều nhưng quan trọng nhất là do con người.

Về sự cố gãy dầm cầu Chợ Đệm trên đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương, chiều qua (13-3), Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chủng (ảnh), nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, chuyên gia cao cấp Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), về nguyên nhân gây ra sự cố và biện pháp khắc phục.

Đây là sự cố nghiêm trọng

* Thưa, ông có nhận định gì về sự cố gãy dầm cầu Chợ Đệm trên đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương?

+ Đây là sự cố công trình trong giai đoạn đang thi công, một bộ phận của cầu trong tương lai bị hư hại, sự cố xảy ra gây chết người. Theo quy định sắp ban hành của Bộ Xây dựng thì đây là sự cố nghiêm trọng.

Trong quá trình thi công, ngoài việc đúc dầm thì khi vận chuyển từ bãi đúc ra đến cầu cũng hết sức khó khăn, việc lắp đặt các dầm cầu phải tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ. Nếu tải trọng từ trên xuống thì thuận nhưng nếu tải trọng ngang thì rất yếu. Cũng giống như con người, nếu chúng ta đứng thì chịu lực rất tốt nhưng nếu bị đạp vào khuỷu chân thì ngã khuỵ ngay.

* Nguyên nhân của sự cố này ban đầu có thể xác định như thế nào?

+ Trong trường hợp này, trước tiên phải xem việc lắp đặt các dầm cầu có tuân thủ theo quy trình chặt chẽ không, vị trí đặt neo có đúng không, tốc độ di chuyển và hạ dầm có hợp lý không... Thứ hai, phải xem chất lượng bê-tông, sắt, thép trên cơ sở lấy mẫu, kiểm tra. Cùng với đó phải xem xét thiết kế dầm cầu. Nhưng theo tôi, lỗi thiết kế ở khâu này có thể không có, vì nhiều dầm cầu đã được lắp.

Đi tìm nguyên nhân sự cố phải tìm trong các giai đoạn hình thành nên sản phẩm, là do khảo sát, thiết kế hay thi công. Khi đã tìm ra nguyên nhân thì mới có thể bắt lỗi và quy trách nhiệm cụ thể. Tuy nhiên về nguyên tắc, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình, bởi chủ đầu tư là người sử dụng vốn, phải giám sát, kiểm tra. Trong trường hợp này, sự cố xảy ra trong quá trình thi công thì trước hết nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm do đổ cấu kiện không tốt hoặc thi công sai quy trình. Nhưng trách nhiệm của đơn vị thiết kế, nhà thầu chính, chủ đầu tư cũng phải được xem xét.

Ở đây có hai trách nhiệm: trách nhiệm dân sự là phải bồi thường thiệt hại. Còn nếu vi phạm những quy định buộc phải tuân thủ trong quá trình thi công thì phải bị xử lý hình sự.

Thời gian khắc phục không lâu

* Việc khắc phục theo ông sẽ phải tiến hành như thế nào?

+ Sự cố gãy dầm cầu đã gây tác động nhất định tới kết cấu lân cận, dầm cầu số 10 giờ phải bỏ đi vì bị cong. Mặt khác, cần phải xem trụ cầu có bị ảnh hưởng gì không. Theo tôi, việc khắc phục này cũng không lâu. Dầm cầu bị gãy, cong thì phải làm lại, thời gian mất chừng nửa tháng, nếu đã có dầm sẵn rồi thì sẽ nhanh hơn.

* Nhiều năm làm công tác giám định chất lượng công trình, ông có thấy xảy ra những trường hợp tương tự như sự cố này hay không?

+ Tôi chưa từng thấy sự cố nào như vậy! Tuy nhiên, có một thực tế là có nhiều công trình quy mô lớn, hiện đại lại đang xảy ra sự cố ngay trong quá trình thi công như vết nứt ở đốt hầm dìm Thủ Thiêm, nứt ở đập thủy điện Sơn La. Nhiều công trình khác khi đưa vào sử dụng thì lộ ra đầy những khiếm khuyết... Theo tôi, các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát... phải nghiêm túc nhìn lại. Nguyên nhân xảy ra sự cố thì có nhiều nhưng quan trọng nhất là do con người. Quy mô công trình ngày càng lớn, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển nhưng con người của chúng ta lại chưa với tới được về cả chuyên môn lẫn kinh nghiệm...

* Cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP