Hiện nay tỉnh Thái Bình đã hình thành bảy khu công nghiệp và 18 điểm công nghiệp, thu hút được 36 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với tổng số vốn đầu tư là hơn 151 triệu USD, trong đó 18 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút hơn 12 nghìn lao động.
Toàn tỉnh hiện có hơn 140 nghìn công nhân viên chức, lao động. Trong khối sản xuất kinh doanh, tỉnh có hơn 77 nghìn công nhân viên chức, lao động. Trong đó, số công nhân trực tiếp sản xuất có thu nhập thấp chủ yếu nằm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các loại hình doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các thành phần kinh tế khác.
Hầu hết số lao động trong các loại hình doanh nghiệp nói trên từ các vùng nông thôn trong tỉnh và các tỉnh lân cận đến làm các nghề may mặc, sản xuất sản phẩm điện tử hoặc công nghiệp lắp ráp... Cho nên đều phải ở trọ một cách tạm bợ, gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống và sinh hoạt.
Theo kết quả điều tra của Liên đoàn Lao động Thái Bình cuối năm 2008, gần 30% số công nhân lao động chưa có nhà, gần 10% số hộ có nhà nhưng tạm bợ, dột nát. Nhiều lao động nữ phải ở trong các nhà trọ với giá từ 70 đến 100 nghìn đồng, rất chật chội, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Trên địa bàn của tỉnh hiện mới có 35 doanh nghiệp (chiếm 2%) thực hiện việc hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân với số tiền từ 40 đến 60 nghìn đồng/tháng.
Theo số liệu của Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh thì tại hai khu công nghiệp Nguyễn Ðức Cảnh và Phúc Khánh trên địa bàn thành phố Thái Bình đến năm 2008 có 85 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng số công nhân là 24.525 người. Chỉ riêng ở hai phường Phúc Khánh, Tiền Phong và xã Phú Xuân (thuộc TP Thái Bình) hiện nay đã có tới 3.500 công nhân phải thuê nhà trọ.
Trước tình hình nêu trên, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình đã tiến hành báo cáo Tổng LÐLÐ Việt Nam và các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình xin được xây dựng khu nhà ở tập thể cho công nhân viên chức, lao động có thu nhập thấp gần các khu công nghiệp. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Liên đoàn lao động tỉnh lập dự án xây dựng ngôi nhà năm tầng thuộc hai khu công nghiệp Nguyễn Ðức Cảnh và Phúc Khánh.
Phóng viên đến thăm ngôi nhà năm tầng đã đưa vào sử dụng từ năm 2007, gồm 130 căn hộ với bốn loại giá khác nhau. Ngôi nhà nằm trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của tỉnh, gần khu công nghiệp Nguyễn Ðức Cảnh, có khu vệ sinh khép kín với sức chứa khoảng 650 đến 700 người. Căn hộ có giá cao nhất là 176 triệu đồng, với 43 m2, căn hộ có giá trị thấp nhất là 62 triệu đồng với 29 m2. Trong đó, mỗi căn hộ được thiết kế hai phòng ngủ và tiếp khách, khu bếp và vệ sinh riêng biệt. Ngôi nhà được bố trí đồng bộ và hoàn chỉnh các công trình phụ trợ như nhà ăn, nơi để xe đạp, xe máy, câu lạc bộ. Ngoài ra, công trình còn được bố trí sân chơi, hệ thống cây xanh, hệ thống cấp điện, nước hoàn chỉnh. Bộ phận bảo vệ thường trực trông coi tài sản, bảo vệ nhà tập thể suốt 24/24 giờ.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng bao gồm tỉnh cấp diện tích mặt bằng hơn 3.000 m2 và hỗ trợ bảy tỷ đồng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ một tỷ đồng. Số còn lại do người lao động đóng góp 4,2 tỷ đồng. Sau gần hai năm sử dụng, người lao động đã yên tâm ổn định cuộc sống với căn hộ chung cư.
Có thể nói mô hình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở Thái Bình trong thời gian qua đã thu được kết quả bước đầu. Hai năm vừa qua, Thái Bình đã có tuyến xe buýt đi về tất cả các huyện, tạo điều kiện cho nhiều người ở xa không phải thuê nhà trọ tại thành phố. Tuy nhiên, hiện nay số người có nhu cầu về nhà ở còn lớn, các cấp ngành và chính quyền địa phương chưa thể đáp ứng kịp thời.
Sắp tới, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình sẽ có Ðề án về "Xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thái Bình thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Trong đó có đề cập việc chăm lo vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động, với dự kiến xây nhà cho thuê là chủ yếu. Ðồng thời đề nghị mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn trong tỉnh cũng có phương án dành một số diện tích nhất định để xây nhà cho số công nhân của mình. Chỉ có như vậy thì người công nhân mới yên tâm làm việc và có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân