Top

Cần thống nhất quy trình thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng

Cập nhật 13/03/2009 16:25

Ngay sau khi những sơ thảo đầu tiên của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Luật sửa đổi) được đưa ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có phản hồi.

Tổ chức đại diện lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam này đang đặt kỳ vọng khá nhiều vào những đột phá trong việc cải thiện sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật liên quan, tạo thêm điều kiện gỡ khó cho thị trường xây dựng đang trong thời kỳ băng giá.

Điều đầu tiên mà VCCI kiến nghị tới Ban soạn thảo Luật sửa đổi, đó là trả lời dứt điểm từng bước quy trình thủ tục liên quan tới một dự án đầu tư xây dựng công trình. Một câu hỏi tưởng đơn giản là thủ tục nào thực hiện trước, thủ tục nào thực hiện tiếp sau đã chờ câu trả lời suốt mấy năm nay.

Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường quy định, các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt (khoản 4, Điều 22). Với quy định này, có thể hiểu rằng, việc lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trước khi đăng ký hoặc thẩm tra dự án đầu tư và trước khi lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

Song theo Luật Đầu tư, thì dự án đầu tư phải được đăng ký hoặc thẩm tra trước khi thực hiện. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, việc lập và phê duyệt sẽ được tiến hành trước khi xin phép xây dựng và sau khi Thủ tướng cho phép đầu tư hoặc có thỏa thuận bổ sung về quy hoạch (đối với những dự án không nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt).

Vòng xoáy thủ tục bắt đầu. Chưa một cơ quan nào trả lời được câu hỏi rằng, liệu có thể hiểu báo cáo đánh giá tác động môi trường có phải là một công đoạn của quá trình thực hiện đầu tư?

Tương tự, Luật Đất đai quy định, sau khi đạt được thỏa thuận về địa điểm, nhà đầu tư sẽ lập hồ sơ thuê đất hoặc giao đất. Nhà đầu tư chỉ có thể hoàn chỉnh bộ hồ sơ thuê đất hoặc giao đất sau khi được sở Tài nguyên và Môi trường thẩm tra về nhu cầu sử dụng đất (đối với dự án đầu tư không phải ngân sách nhà nước, dự án có vốn đầu tư nước ngoài); có quyết định đầu tư (dự án đầu tư ngân sách nhà nước), giấy phép đầu tư (đối với dự án đầu tư nước ngoài).

Tuy nhiên, giấy phép đầu tư cấp cho dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được thay bằng giấy chứng nhận đầu tư cấp theo Luật Đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư này được cấp không chỉ cho dự án có vốn đầu tư nước ngoài, mà cả dự án đầu tư trong nước. Vấn đề phát sinh là, liệu dự án đầu tư trong nước có phải thẩm tra nhu cầu sử dụng đất nữa không và việc thẩm tra đó có thay thế cho các giấy phép đầu tư hay giấy chứng nhận đầu tư không?

Các chuyên gia VCCI khẳng định, những quy định trên dẫn đến một thực tế là, không thể thực hiện được thủ tục đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng công trình trước khi thực hiện thủ tục về đất đai, vì để thực hiện 2 thủ tục này, cần có thông tin về địa điểm đầu tư.

Tuy nhiên cái khó là, cũng không thể thực hiện được việc giao đất, cho thuê đất nếu chưa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình. Thủ tục xin phép xây dựng chỉ có thể thực hiện sau khi hoàn thành các thủ tục về đất đai, bởi trong hồ sơ xin phép xây dựng phải có bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Còn giữa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thì không rõ thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau.

Kèm theo đó, khi tiến hành thủ tục đầu tư xây dựng công trình, nhà đầu tư phải lập rất nhiều hồ sơ. Đối chiếu với quy định của các văn bản pháp luật liên quan, nhiều hồ sơ có nội dung giống nhau, nhưng tên gọi khác nhau, như “văn bản đăng ký đầu tư”, “giải trình kinh tế kỹ thuật” theo Luật Đầu tư và “báo cáo kinh tế - kỹ thuật”, “thuyết minh cơ sở” theo Luật Xây dựng.

Hệ quả là, nhà đầu tư có thể phải chuẩn bị nhiều loại tài liệu có nội dung giống nhau, nhưng dưới tên gọi khác nhau, với chi phí không hề nhỏ. Lo ngại lớn hơn cả từ phía nhà đầu tư là, rất có thể họ bị làm khó do cách hiểu khác nhau giữa các nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

Trên thực tế, theo khảo sát của Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, mỗi địa phương có những cách xử lý riêng. Và như vậy, cả các cấp chính quyền địa phương và nhà đầu tư đều buộc phải “tuỳ cơ ứng biến” trong áp dụng pháp luật.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư