Top

Hạ tầng TP.HCM một năm nhìn lại

Cập nhật 01/01/2010 09:25

Năm 2009, bộ mặt của TP.HCM đã có những đổi thay khi hàng loạt công trình trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại, bộ mặt ấy vẫn đang là bức tranh vẽ dở.

Điểm nhấn năm 2009
 

Pháo bông bắn mừng khánh thành cầu Phú Mỹ (điểm bắn đầu cầu phía quận 7) vào tối kỷ niệm Quốc khánh 2.9.2009, cầu Phú Mỹ hoàn thành nối liền giao thông quận 2 và quận 7 với đại lộ Đông Tây. Ảnh: Lê Quang Nhật.

Cầu Phú Mỹ là một trong những công trình hiện đại của TP.HCM, được khởi công ngày 22.2.2007 và hoàn thành ngày 2.9.2009. Với tổng mức đầu tư là 2.077 tỉ đồng, cầu Phú Mỹ có chiều dài hơn 2.000m, bao gồm 705m nhịp dây văng và 1.331m nhịp dẫn. Ngoài ra, còn có hai đường dẫn vào cầu dài 257m, chiều rộng mặt cầu là 27,5m. Cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn ở vị trí cạnh cảng rau quả nối quận 7 (tại phường Tân Thuận Đông) với quận 2 (tại phường Thạnh Mỹ Lợi). Cầu Phú Mỹ góp phần hoàn thiện hệ thống đường vành đai và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội phía đông và phía nam thành phố; kết nối với các tuyến đường trục chính như đường vành đai số 2, liên tỉnh lộ 25B tạo ra hành lang lưu thông mới từ miền Bắc, miền Trung đi về đồng bằng sông Cửu Long, giảm bớt áp lực lưu thông xuyên qua nội đô TP.HCM. Cầu Phú Mỹ đáp ứng năng lực thông xe vào năm 2010 là 4.760 xe/giờ và đến năm 2020 là 8.400 xe/giờ.

Dự án đại lộ Đông Tây có tổng chiều dài 21,98km bao gồm 1,49km đường hầm vượt sông Sài Gòn. Nằm trong tuyến dự án còn có 10 cầu mới được xây dựng, cải tạo ba cầu cũ hiện có và xây dựng 10 cầu bộ hành. Điểm đầu của đại lộ Đông Tây giao với quốc lộ 1A tại huyện Bình Chánh. Điểm cuối giao với xa lộ Hà Nội. Toàn bộ dự án chia làm sáu gói thầu, với tổng mức đầu tư trên 9.860 tỉ đồng. Đại lộ Đông Tây là dự án giao thông huyết mạch của TP.HCM, kết nối trung tâm thành phố với các khu vực xa trung tâm về hướng Tây Nam và Đông Bắc.

Hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh là một hạng mục của công trình cầu Thủ Thiêm, dài 430m, rộng 26m (bốn làn xe), đi bên dưới nền đường Nguyễn Hữu Cảnh vừa được thông xe vào cuối tháng 12.2009. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe trên con đường này.

Bệnh cũ: cầu chờ đường

Cầu chưa thay được phà. Sau gần hai năm thông xe, đến nay cầu Thủ Thiêm vẫn chưa phát huy tác dụng vì đường dẫn vào hai đầu cầu còn tắc. Cầu được đầu tư khoảng 1.100 tỉ đồng, với chiều dài 1,2km, tải trọng trên 30 tấn, rộng sáu làn xe… nhưng mới chỉ cho xe dưới chín chỗ, xe tải nhỏ và xe hai bánh qua cầu. Mặc dù UBND TP.HCM đã chi thêm 121 tỉ đồng để làm đường tạm nhưng vẫn chưa thể kết nối do đại lộ Đông Tây đoạn này vẫn chưa xong nên phà Thủ Thiêm gần đó vẫn nườm nượp khách.

Cầu ế khách. Sau ngày thông xe, cầu Phú Mỹ trị giá gần 2.000 tỉ đồng chỉ lèo tèo phương tiện qua lại (để ngắm cầu là chính) mặc dù được thiết kế cho khoảng 100.000 lượt phương tiện qua lại/ngày. Nguyên nhân, do các dự án đường kết nối vào cầu đang xây dựng dở dang, chưa hoàn thành. Đường vành đai phía Đông nối từ cầu Phú Mỹ đến xa lộ Hà Nội mới triển khai được một đoạn. Nút giao thông kết nối với đường Nguyễn Văn Linh vẫn đang dở dang do vướng giải toả mặt bằng. Cầu Phú Mỹ chỉ có thể phát huy hiệu quả khi cả ba dự án kết nối trên hoàn thành.

Đại lộ nhếch nhác. Đoạn từ cầu Calmette (quận 1) đến quốc lộ 1A (Bình Chánh) của đại lộ Đông Tây được thiết kế với vận tốc 80km/h, với sáu làn xe nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn thưa thớt phương tiện dù các tuyến đường song song với nó thường xuyên kẹt xe. Suốt tuyến đường đã hoàn thành có tất cả 39 vị trí kết nối với các tuyến đường nhánh. Tuy nhiên, chỉ mới có hơn nửa vị trí được kết nối. Đó là chưa kể, các vị trí kết nối này cũng rất sơ sài, có điểm chỉ đổ xà bần tạm bợ. Con đường này sau khi thông xe không được quản lý chặt đã trở nên nhếch nhác, nguy hiểm.

Ám ảnh lô cốt
 

Kẹt xe do lô cốt là nỗi ám ảnh hằng ngày của người dân TP.HCM. Ảnh: Hải Nguyên.

Người dân TP.HCM tiếp tục gồng mình chống chọi với nạn lô cốt bủa vây. Ngành giao thông trấn an người dân rằng đến cuối năm sẽ có 90% rào chắn, lô cốt được dỡ bỏ nhưng hiện nay thực tế đang ngược lại. Đường Điện Biên Phủ, một trong những trục giao thông chính của thành phố nhưng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng khủng khiếp. Trên tuyến đường này hiện còn tồn tại ba lô cốt án ngữ ngay tại các giao lộ đông xe. Không có lối đi, cả xe máy lẫn xe ôtô cố leo lên lề khiến vỉa hè nát như tương. Đường Nguyễn Văn Trỗi rộng thênh thang những ngày đầu tháng 11, nay đã bị một lô cốt khổng lồ án ngữ ngay nút giao đường sắt, khiến tình trạng ùn tắc hết sức nghiêm trọng. Khổ nhất là đoạn đường này lại không có vỉa hè để thoát kẹt xe. Các lôcốt trên đường Lê Văn Sỹ, Nguyễn Kiệm, Phan Đình Phùng, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai… không chỉ bít lối đi của xe cộ mà còn bít cả lối làm ăn của người dân hai bên đường.

Công trình lâu năm

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Rừng Sác, Cần Giờ được UBND TP.HCM chỉ định cho công ty dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM thi công vào năm 2002. Công trình có chiều dài toàn tuyến là 36,5km, giai đoạn 1 đầu tư hơn 255 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2005 nhưng đến nay vẫn ì ạch.

Cầu xuyên thế kỷ. Đó là cầu Hoàng Hoa Thám chỉ dài hơn 100m nối từ quận 1 sang quận Bình Thạnh, khởi công xây dựng từ năm 1998 đến nay dù đã thay chủ đầu tư, tăng thêm 100 tỉ đồng tiền vốn nhưng chưa thể hoàn thành vì “kẹt giải toả”.

Dự án mở rộng đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú) sau năm năm xây dựng (từ 2001 – 2005) chỉ thi công được 1km. Bị dư luận phản ứng, cả chủ đầu tư và nhà thầu phải “bỏ của chạy lấy người”. TP.HCM phải giao lại cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư, tiếp tục triển khai xây dựng những hạng mục còn lại nhưng vẫn chưa thấy gì sáng sủa.
 

Năm 2009, TP.HCM đã đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng khác có ý nghĩa kinh tế và dân sinh, đó là: cầu Nguyễn Văn Cừ; đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi.

Một loạt công trình khác đã khởi công và đạt được những bước tiến đáng kể như: cầu Bình Lợi; sửa chữa cầu Bình Triệu cũ; xây dựng nhà ga đầu mối (dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên); cảng Sài Gòn – Hiệp Phước; đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; mở rộng xa lộ Hà Nội.

Trong năm 2010, một loạt công trình khác sẽ được khởi công: cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc, cầu Thủ Thiêm 2, 3; các tuyến đường: Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài; cầu đường Bình Triệu 2 giai đoạn 2, đường vành đai 2 phía đông và phía tây, liên tỉnh lộ 25B – giai đoạn 2, tuyến xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn – bến xe Miền Tây, các đường trên cao 1, 2, 3, đường Bắc – Nam, đường sắt đô thị 1, 2, 3 và các bãi đỗ xe ngầm dưới các công viên và khu vui chơi: Lê Văn Tám, Bách Tùng Diệp, Chi Lăng, sân vận động Hoa Lư.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị