Top

Bất động sản Hà Nội sẽ ấm lại?

Cập nhật 31/12/2009 08:50

Nhận định về thị trường bất động sản (BĐS) tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường này sôi động trở lại trong thời gian không xa.


GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực BĐS nhận định: thị trường BĐS Việt Nam sẽ phục hồi trở lại vào năm 2010 - 2011. Trong đó, thị trường văn phòng cho thuê sẽ có xu hướng tăng trong ngắn hạn, đặc biệt khi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ hơn.

“Cầu” văn phòng sẽ tăng

Đa số các công ty tư vấn, nghiên cứu BĐS đều cho rằng mảng thị trường văn phòng cho thuê, nhất là phân khúc cao cấp sẽ trở nên ổn định khi cầu về văn phòng tăng lên do các công ty nước ngoài quay trở lại thị trường và các công ty trong nước mở rộng hoạt động.

Theo ông Davi Blackhall, Phó Giám đốc phụ trách về BĐS, Quỹ Đầu tư VinaCapital, mảng văn phòng cho thuê tại Hà Nội trong 2 năm nữa vẫn có nhu cầu. Tuy nhiên, chỉ văn phòng loại A và B+ mới có tiềm năng tốt vì mọi người, cho dù là ở doanh nghiệp nhỏ, cũng không muốn làm việc trong các văn phòng loại C. Họ đang và sẽ dần rời bỏ những văn phòng loại này để chuyển sang loại B+ hoặc A.

Thống kê của Công ty Tư vấn quản lý BĐS Savills Vietnam cho thấy, ngay từ quý III/2009, nhu cầu về văn phòng cả hạng A và B căn cứ theo diện tích thuê thực đã phục hồi.

Còn số liệu của Công ty Colliers cũng chỉ rõ: với những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, người thuê văn phòng sẽ trở lại thị trường. Số lượng yêu cầu hỏi thuê văn phòng trong quý III/2009 đã tăng 28% so với quý trước. Nhiều dự án bắt đầu cho thuê đã đạt tỷ lệ cho thuê lớn. Nhu cầu văn phòng của các công ty cả trong nước và nước ngoài đều có xu hướng tăng lên. Chắc chắn lĩnh vực này sẽ lấy lại “phong độ” vào năm 2010.

Lý giải đầu tiên là do có tín hiệu khả quan của sự phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp bắt đầu rục rịch mở rộng sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu thuê văn phòng sẽ tăng lên.

Tiếp đó, mới đây của Bộ Xây dựng đã có công văn chấn chỉnh và tiến tới thực hiện triệt để không cho phép sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng cũng tác động mạnh tới mảng thị trường này.

Hiện tại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang lên kế hoạch rút dần khỏi các căn hộ chung cư, tìm tới hệ thống văn phòng cho thuê để đảm bảo tính ổn định lâu dài trong hoạt động kinh doanh.

Mặt bằng bán lẻ vẫn thiếu

Một diễn biến mà tất cả các chuyên gia đều thừa nhận, đó là, thị trường mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng luôn khan hiếm, khiến giá thuê liên tục leo thang. Cùng những tín hiệu đi lên của nền kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng liên tiếp trong một vài quý trở lại đây.

Theo thống kê của Công ty Savills, dù nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2009 còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bán lẻ vãn tăng trưởng tới 20% so với cùng kỳ 2008. Vì thế, cầu đối với mặt bằng bán lẻ ở các đô thị lớn như Hà Nội sẽ tiếp tục tăng.

Hà Nội hiện có khoảng 12 trung tâm mua sắm chất lượng cao với tổng diện tích đạt gần 160.000m2. Riêng khu vực trung tâm, do nguồn cung mặt bằng bán lẻ còn thiếu, hiệu suất thuê ở mức trên 90%, giá thuê trung bình tiếp tục được duy trì ở mức cao. Giá thuê ở những vị trí đắc địa nhất thuộc khu vực này có thể lên tới 150 USD/m2/tháng.

Dự báo, nhu cầu về mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội sẽ còn gia tăng trong các năm tới, khi mà ngày càng có nhiều các nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường.

Nắm vững được tiềm năng này, các nhà phát triển BĐS nước ngoài đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án, nhằm chuẩn bị hàng hóa đón đầu việc thị trường sẽ hồi phục như đã biết.

Sắp tới, Hà Nội sẽ có một loạt dự án hoàn thành và đi vào hoạt động (mô hình tổ hợp) với những tên tuổi lớn trên thị trường BĐS khu vực như Keangnam Hanoi Landmark (đường Phạm Hùng) của Tập đoàn Keangnam Hàn Quốc, Yên Sở Park Shopping centrer (công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai) của Tập đoàn Gamuda, Malaysia, Indochina Plaza của công ty InđochinaLan (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy), hay Ciputra Shopping mall (khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ)...

Ngoài các dự án đang hoàn thiện và đi vào hoạt động như trên, các nhà đầu tư vẫn chọn thị trường này để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của mình với việc khởi công dần các công trình mới. Điển hình như dự án Mbland Tower (khách sạn ASEAN hiện tại) ở số 8, Chùa Bộc, quận Đống Đa, một vị trí vô cùng đắc địa của Thủ đô.

Đây là một công trình tổ hợp gồm 21 tầng nổi và 3 tầng hầm, có tổng diện tích sàn khoảng 76.000m2. Với tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.200 tỷ đồng, MBLand Tower sẽ là một tổ hợp quy mô lớn, hiện đại về thiết kế, kiến trúc, và nội thất với khu Trung tâm thương mại 7 tầng (tầng 1 đến tầng 6); khu văn phòng gồm 4 tầng tiếp theo; các tầng còn lại là nhà hàng và hơn 300 phòng khách sạn mang thương hiệu Holiday Inn - thuộc Tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế InterContinental (IHG). Dự kiến MBLand Tower sẽ hoàn thành vào năm 2012.

Các chuyên gia BĐS đánh giá đây là một trong những tòa nhà khi hoàn thành sẽ là một công trình độc đáo nhất Hà Nội.


DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị