Top

Gộp sổ hồng, sổ đỏ: “Sổ” mới sẽ như thế nào?

Cập nhật 26/05/2009 11:20

Người dân trong nhiều năm qua đã rất khổ sở trong giao dịch nhà đất chỉ vì nhiều loại giấy tờ khác nhau.

Việc thống nhất sổ đỏ, sổ hồng liệu có giảm bớt được phiền hà cho họ? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Khôi Nguyên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói:

- Đúng là thực tế hiện nay có nhiều loại giấy nên rất phức tạp. Về quyền sở hữu không có vướng mắc nhiều nhưng khi giao dịch vay vốn, thế chấp, liên doanh đã có phát sinh rắc rối. Hiện nay Quốc hội và Chính phủ đều đã chỉ đạo chỉ nên có một loại giấy. Loại giấy này đã được thiết kế xong và sẽ được áp dụng sau thời điểm sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở cuối năm 2009.

Tên gọi của loại giấy mới này là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Khi áp dụng cấp loại giấy này, sẽ dừng việc cấp tất cả các giấy khác.

Thực tế thì quá trình thống nhất này đã được rục rịch tiến hành từ hơn hai năm nay nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Vậy, năm 2009 có thể kết thúc được quá trình này không, thưa ông?

Vấn đề gộp sổ đỏ và sổ hồng đã được Chính phủ chỉ đạo, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, nhằm mục tiêu đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thống nhất vào quý 2/2009.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và Tổng cục Quản lý đất đai cùng nghiên cứu xây dựng mẫu giấy chung cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và công trình xây dựng gắn liền với đất báo cáo lãnh đạo hai Bộ xem xét, thời gian hoàn thành trong tháng 5/2009. Năm 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn quốc.

Mẫu giấy mới thể hiện được sự đa dạng hóa quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản. Hình thức như vậy sẽ thuận lợi cho giao dịch mua bán, cầm cố, thế chấp của dân.

* Hình thức cụ thể của cuốn sổ mới khi gộp hai cuốn sổ đỏ sổ hồng làm một sẽ được thể hiện thế nào thưa ông?

Tinh thần là sẽ thiết kế một quyển sổ chung, khoảng tám trang, kiểu như sổ hộ khẩu. Trên sổ có thể ghi nhận nhiều miếng đất khác nhau, nhiều loại tài sản gắn liền với đất và có thể thể hiện thông tin cả khi chủ sử dụng đất khác với chủ sở hữu tài sản.

Chẳng hạn có thể dành riêng hai trang cuối để ghi chép biến động đất đai, biến động tài sản trên đất và các giao dịch liên quan đến thửa đất, tài sản trên đất. Trong thiết kế, cuốn sổ sẽ để 2 trang trắng, ghi chép tất cả quá trình giao dịch liên quan đến thửa đất, những người sở hữu đất và nhà.

Tuy chưa thống nhất về màu sắc, song mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thay thế cho sổ hồng, sổ đỏ), bao gồm tất cả những hình thức sở hữu như: nhà chung cư, nhà tập thể, đất vườn, đất nông nghiệp, đất nhà ở...

Trong sổ sẽ hiển thị diện tích và tài sản trên đất, các giao dịch liên quan đến thửa đất, những người sở hữu đất và nhà. Nếu miếng đất có nhiều nhà thì cũng được đưa toàn bộ vào sổ.

* Khi dùng mẫu giấy mới thì những sổ đỏ, sổ hồng cũ có còn giá trị pháp lý không?

Những loại giấy chứng nhận cũ như sổ đỏ và sổ hồng sẽ vẫn có giá trị pháp lý khi mẫu giấy mới được ban hành. Nếu người dân có nhu cầu đổi các mẫu giấy cũ sang mẫu mới, sẽ được cấp lại miễn phí.

* Bao giờ sẽ triển khai cấp mới giấy chứng nhận này và đầu mối quản lý là Bộ Xây dựng hay Bộ Tài nguyên và Môi trường, thưa ông?

Việc triển khai cấp mới chỉ có thể thực hiện sau khi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực (dự kiến năm 2010 dự án luật sửa đổi được trình Quốc hội phê duyệt).

Tiến tới sẽ đổi ra một loại giấy mới dựa trên cơ sở công nghệ thông tin, quản lý bằng mã vạch.

Chỉ cần đưa vào là biết giấy thật hay giấy giả. Chủ trương của Bộ là đến 2010, khi Luật đất đai sửa đổi, hoàn thiện sẽ có một loại giấy điện tử. Để làm được việc này thì mục tiêu là cố gắng 2010, cơ bản giải quyết xong việc cấp sổ đỏ và hoàn thành hồ sơ địa chính điện tử cho 9 tỉnh. Lúc đó, chỉ cần bật máy tính lên là nắm được thông số của miếng đất đó.

Dự kiến cơ quan đầu mối quản lý giấy chứng nhận mới này sẽ là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy