Top

Nhà thầu cho dự án giao thông: Nghịch lý khó gỡ

Cập nhật 26/05/2009 10:20

Chậm tiến độ là tình trạng chung trong việc thi công các công trình giao thông thời gian qua. Có nhiều nguyên nhân như: GPMB chậm, biến động giá, năng lực nhà thầu hạn chế… Thực tế ở nhiều dự án sử dụng vốn ODA, còn có một nguyên nhân khác, đó là sự thờ ơ của các nhà thầu quốc tế.

Ưu điểm nổi bật của các dự án vay vốn ưu đãi ODA là lãi suất vay thấp. Nhưng, đi cùng với nó là hàng loạt điều kiện bắt buộc như phải sử dụng nhà thầu (với mức lương nhân công rất cao), vật tư, thiết bị… của nước cho vay. Khi nguồn lực tài chính còn hạn chế, các nước đang phát triển đều chấp nhận điều kiện ràng buộc để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng.

Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang được giao quản lý nhiều dự án sử dụng vốn vay ưu đãi ODA của nhiều quốc gia. Giám đốc RPMU Trần Văn Lục cho biết, điều kiện để vay vốn ODA của Nhật Bản (điều kiện STEP - điều kiện đặc biệt cho đối tác kinh tế) so với các nước khác nhìn chung "dễ thở" hơn.

Một trong những điều kiện của STEP là nhà thầu chính hoặc nhà thầu đứng đầu liên danh thầu chính phải đến từ xứ sở Hoa anh đào. Tưởng dễ, nhưng thời gian qua RPMU đã phải đỏ mắt tìm nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thuộc dự án khôi phục 44 cầu đường sắt Thống Nhất sử dụng vốn vay Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA). Gói CP1 khôi phục 17 cầu đường sắt phát sinh tình huống ngoài dự kiến. Sau khi qua vòng sơ tuyển hồ sơ, 1 trong 2 nhà thầu đủ điều kiện vào vòng "chung kết" đã "bỏ của chạy lấy người" do khó khăn về tài chính. Chỉ còn 1 nhà thầu nhưng giá bỏ lại cao hơn gần 2 lần so với dự toán được duyệt. RPMU phải xin hủy kết quả để tổ chức đấu thầu lại. Quá trình hủy, đấu thầu lại đã khiến dự án chậm tiến độ khoảng 1 năm. Tình hình tại gói CP3 khôi phục 16 cầu còn vất vả hơn. RPMU đã tổ chức sơ tuyển hồ sơ nhà thầu tới 2 lần mà vẫn… không thành công, bởi chỉ có duy nhất một nhà thầu Nhật Bản nộp hồ sơ. Bộ GT-VT và JICA đã quyết định phải hủy sơ tuyển, điều chỉnh điều kiện nhưng cũng không "kéo" thêm được nhà thầu. Quyết định cuối cùng được đưa ra là tạm dừng sơ tuyển để tìm phương án khác, có thể là chia nhỏ gói thầu.

Tại dự án xây dựng cầu Nhật Tân (sử dụng vốn ODA Nhật Bản), việc triển khai cũng gặp một số vướng mắc. Giám đốc Ban quản lý dự án 85 (đại diện chủ đầu tư) Nguyễn Ngọc Trân cho biết, đến nay chưa có nhà thầu Nhật Bản nào mua hồ sơ vào dự thầu gói số 2. Để tháo gỡ vướng mắc, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho nhà thầu Việt Nam tham dự và nhận được sự ủng hộ từ JICA, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Chính phủ đã có công hàm gửi Chính phủ Nhật Bản và đang đợi ý kiến đồng ý chính thức. Theo ông Trân, so với kế hoạch ban đầu, dự án đã chậm khoảng 6 tháng, dự kiến sẽ phải mất ít nhất 6 tháng nữa mới chọn được nhà thầu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà thầu quốc tế không tham gia dự thầu. Theo ông Trân, sự chậm trễ trong GPMB, điều kiện thi công chật hẹp, tắc đường… có thể là khó khăn mà nhà thầu Nhật không muốn tham gia dự án cầu Nhật Tân. Còn theo ông Trần Văn Lục, các nhà thầu Nhật Bản không muốn tham gia các dự án ODA đường sắt là do phạm vi thực hiện gói thầu trải dài (gói CP3 trải dài từ Ninh Bình tới Thừa Thiên Huế), điều kiện thi công khó khăn, khó tiếp cận. Ngoài ra, những biến động về giá cả vật liệu xây dựng thời gian gần đây cũng khiến nhà thầu phân vân khi bỏ giá, trong khi việc điều chỉnh giá phức tạp, chậm.

Vẫn theo ông Lục, một số nhà thầu cho biết, họ không muốn sang Việt Nam còn bởi Nhật cũng có chủ trương kích cầu, nên… không thiếu việc. Đây thực sự là một nghịch lý khi không ít nhà thầu trong nước có năng lực nhưng phải đứng ngoài cuộc, chủ đầu tư bất lực bởi không dám làm sai quy định. Rất cần những giải pháp cụ thể để tháo gỡ bởi nếu dự án càng chậm, càng lãng phí lớn mà sự lãng phí không phải lúc nào cũng có thể cân, đo, đong, đếm.

Để có sự điều chỉnh, nhất thiết phải có sự thống nhất giữa các chính phủ

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI):

Dự án ODA gồm loại có điều kiện và không có điều kiện, nhưng dù với hình thức nào cũng ưu đãi cho bên vay. Để vay vốn ODA phải có hiệp định vay vốn giữa các chính phủ với nhau. Với những dự án có điều kiện, các bên phải tuân thủ nghiêm túc điều khoản trong hiệp định ký kết. Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc đưa ra những điều kiện ràng buộc là bình thường, bởi chính phủ nước cho vay cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân quốc gia đó. Trong trường hợp muốn điều chỉnh dự án, nhất thiết phải có sự đồng ý, thống nhất giữa các chính phủ. Khi có sự thống nhất, mới được phép thực hiện theo các điều khoản đã điều chỉnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới