Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên về câu hỏi của phóng viên Báo giới xung quanh việc thống nhất một mẫu giấy chủ quyền nhà đất, bên lề cuộc họp góp ý cho nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, tổ chức tại TPHCM sáng 7-3.
Trở lại bằng khoán
Theo ông Phạm Khôi Nguyên, mẫu giấy chủ quyền nhà, đất thay đổi sắp tới dự kiến sẽ theo dạng bằng khoán trước đây. “Bộ TN-MT đã có văn bản kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý một số nội dung liên quan đến giấy chủ quyền. Sắp tới, sau khi có thông báo chính thức sẽ triển khai áp dụng ngay trong năm nay” - ông Nguyên nói.
Còn về việc đây có phải là lần cấp đổi giấy cuối cùng hay không, ông Nguyên cho biết năm 2015 dự kiến sẽ quản lý nhà, đất thông qua giấy chủ quyền điện tử, do đó việc cấp đổi lần này cũng nhằm mục đích xây dựng hệ thống lưu trữ các thông tin liên thông để tiến đến quản lý bằng điện tử.
Đến thời điểm này, người chủ sử dụng, sở hữu bất động sản sẽ được cấp giấy chủ quyền điện tử, tương tự như thẻ ATM. Cơ quan chức năng chỉ cần quét thẻ có thể đọc được tất cả những thông tin liên quan.
Chỉnh sửa Luật Đất đai năm 2003
Đánh giá sau gần 4 năm áp dụng Luật Đất đai năm 2003, ông Phạm Khôi Nguyên cho rằng đã có những thành quả đáng khích lệ. Đầu tiên là những quy định trong luật đã bảo đảm những quyền lợi cho người sử dụng đất. Kế đến đã hạn chế được những tiêu cực, sai phạm trong lĩnh vực này.
Điều quan trọng nhất là Luật Đất đai 2003 đã giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, chỉ tính riêng năm 2007 và 2 tháng đầu 2008, số tiền liên quan đến thuế và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đã nộp về cho ngân sách 29.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng bộc lộ những điểm chưa tốt, do đó cần phải được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trong cuộc họp, nhiều đại biểu đã đóng góp khá sôi nổi cho 8 nội dung mà Bộ TN-MT đưa ra nhằm gợi ý cho việc chỉnh sửa, bổ sung cho Luật Đất đai năm 2003, như: quy hoạch sử dụng đất, thủ tục giao thuê đất, tài chính đất đai, đền bù giải tỏa... Ông Trần Thế Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết mọi kiến nghị sẽ được tiếp thu và nghiên cứu để chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ.