Top

Thị trường BĐS trong “cơn bão” giá vàng

Cập nhật 08/03/2008 10:00

Bất động sản (BĐS), chứng khoán và vàng được coi là những lĩnh vực kinh doanh có liên quan mật thiết với nhau. Cách đây chưa lâu, lạc quan với triển vọng của thị trường BĐS, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng năm nay thị trường này tiếp tục tăng và sẽ ổn định vào năm 2009.

Ở thời điểm kết thúc năm 2007, có lẽ không ai nghĩ rằng “cơn sốt” thị trường BĐS lại “hạ nhiệt” nhanh đến thế. Nhưng, cho dù giao dịch mua-bán nhà đất kém sôi động, thì giá của mặt hàng này dường như không giảm, thậm chí ở nhiều nơi vẫn tiếp tục “leo thang”.

Theo nhận định bước đầu của các chuyên gia kinh tế, “cơn bão” giá vàng là một trong những yếu tố quyết định làm phân hóa thị trường BĐS ở các đô thị lớn. Mặc dù gần đây, lượng giao dịch BĐS chững lại do các giải pháp như thắt chặt tín dụng hay thông tin triển khai thuế lũy tiến để “hạ nhiệt” cơn sốt nhưng gần 1 tháng qua, trước “cơn bão” của giá vàng, thị trường BĐS đã có sự phân hóa rõ nét.

Nếu nhà đất ở các khu vực đắc địa và xung quanh các dự án phát triển vẫn tiếp tục tăng theo giá vàng thì ở các chung cư và ngõ hẻm, giá các căn hộ vẫn “dậm chân tại chỗ”, thậm chí có dấu hiệu đi xuống. Chẳng hạn như trước Tết Mậu Tý, một căn hộ chung cư ở khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính được rao bán 26-27 triệu đồng/m2, nay xuống 23-24 triệu đồng/m2.

Vẫn biết, giá có giảm nhưng trên thực tế, nhà đất vẫn còn rất xa tầm với của người lao động. Với thu nhập của một công nhân có tay nghề cao trong các doanh nghiệp nhà nước, muốn mua được một căn hộ trong các chung cư cũ cũng mất 15-20 năm hoàn toàn phải nhịn ăn.

Trên mục rao vặt của các phương tiện truyền thông, lượng rao bán nhà đất có phần ít hơn, giá không biến động nhiều. Trong khi đó, những khu vực đắc địa trong nội thành, quanh Hồ Tây, giá vẫn “trên trời”. Ngay cả nhà đất trong một khu tập thể ở phường Thanh Xuân Bắc, trước Tết, nhà đầu ngõ bán với giá 21 triệu đồng/m2; nay một nhà ở sâu cuối ngõ đã rao bán với giá 35 triệu đồng/m2.

Nhìn chung, giá nhà đất nhiều khu vực ở Hà Nội có xu thế “đứng”. Nhưng, trước thông tin mở rộng thủ đô, giá nhà đất một số vùng của Hà Tây, Vĩnh Phúc đang được đẩy lên khá mạnh. Không ít nhà đầu tư trong, ngoài nước coi các khu vực này là điểm đến lý tưởng.

So với trước Tết, đến đầu tháng 3-2008, giá nhà đất ở khu vực ngoại thành của TP Hà Đông, trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Đan Phượng... đã tăng 1-2 triệu đồng/m2 và đang nằm trong “tầm ngắm” của giới kinh doanh BĐS.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, trong “cơn bão” giá vàng hiện nay, thị trường BĐS Hà Nội ít bị tác động hơn TP Hồ Chí Minh là do Hà Nội là nơi có lượng người mua để ở cao hơn nên phản ứng trước những động thái mới đây của Chính phủ không mạnh lắm.

Các trung tâm môi giới trong lĩnh vực này cho hay, khoảng 2 tuần lại đây, số giao dịch thành công có xu hướng giảm nhẹ. Người bán do dự chưa muốn bán, vì sợ có thể giá sẽ tăng thêm, còn người mua chần chừ không muốn mua ngay, vì kỳ vọng giá còn xuống.

Ngược lại, do có số lượng người mua để đầu tư nhiều hơn nên ở TP Hồ Chí Minh tình trạng “xì hơi” của “bong bóng” BĐS cũng mạnh hơn.

Các nhà đầu tư nhận định, nếu thời gian tới giá vàng còn biến động, nhiều khả năng giá nhà đất vẫn tiếp tục “leo” lên cao hơn. Nghe đâu, tuần trước, một căn nhà với diện tích 39m2 ở đường Nghi Tàm (Hà Nội) vừa được bán với giá 2,8 tỉ đồng; một căn nhà diện tích 60m2 ở ngõ Hàng Cháo cũng bán được đến 5,8 tỉ đồng; thậm chí một căn nhà ở phố Huế chỉ 58m2, gia chủ đã thu về 13 tỉ đồng...

Một thời, khi “sốt” giá nhà-đất, việc mua bán được tính theo giá vàng. Có lúc, thị trường BĐS “đóng băng” thì chỉ một tỷ lệ nhỏ giao dịch tính theo giá vàng, còn chủ yếu tính bằng tiền mặt. Giờ đây, khi giá vàng lên “cơn sốt” và giá đất cũng tăng cao, việc mua bán đối với loại hàng hóa đặc biệt này lại tính theo giá vàng.

Bởi thế, ở thời điểm hiện tại, giá nhà đất đang tăng “kép”, khiến cho giấc mơ của những người muốn cải thiện nhà ở, nhất là những người có thu nhập thấp càng trở nên xa vời và chắc chắn sự phân hóa giàu-nghèo sẽ ngày một sâu sắc hơn.

Theo Hà Nội Mới