Tiến độ triển khai xây dựng các công trình văn hóa hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là một trong những vấn đề bức xúc được cử tri TP hết sức quan tâm. Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí về vấn đề này.
- Một số ý kiến nhận xét rằng, các công trình văn hóa thường rất hay bị chậm trễ tiến độ... Ông có bình luận gì về việc này?
- Điều mà ai cũng nhận thấy là các công trình trong lĩnh vực văn hóa không đơn giản chỉ là những công trình xây dựng mà có những cái khó khăn rất lớn khác. Có công trình phải tổ chức hàng chục cuộc hội thảo mà vẫn không có được ý kiến thống nhất. Đó là lý do mà các công trình văn hóa thường bị chậm tiến độ.
-Vậy với các công trình chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thì sao, thưa ông?
- Tôi không có báo cáo đầy đủ của các dự án. Sở VH - TT Hà Nội đang làm chủ đầu tư 6 công trình trọng điểm, nói chung đều có khả năng hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long: Tượng đài Thánh Gióng đã chọn được mẫu tượng, đang phối hợp với Hội Phật giáo Việt Nam chủ trì công đức và tiến hành đúc tượng đài; các rạp Kim Đồng, Đại Nam, Công nhân cơ bản hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư. Riêng rạp Công nhân dự kiến khởi công trong tháng 9.
Dự án xây dựng Công viên Hữu Nghị sẽ hoàn thành GPMB trong quý III năm nay; quý II năm 2008 dự kiến bắt đầu thi công… Hiện chỉ có dự án Bảo tàng Hà Nội còn lấn cấn.
- Kể từ khi thành phố bắt đầu có ý tưởng xây dựng, đến nay dự án Bảo tàng Hà Nội đã “long đong” trên dưới 20 năm. Ông có thể cho biết vướng mắc nhất hiện nay là gì?
- Phương án kiến trúc xây dựng Bảo tàng theo dạng “Kim tự tháp ngược” được đơn vị tư vấn đánh giá là “ý tưởng tốt nhưng không phù hợp với yêu cầu tận dụng không gian, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo an toàn cho khách tham quan trong trường hợp cần thoát hiểm”! Thiết kế đang được điều chỉnh và Sở VH-TT đã báo cáo việc này với Hội đồng Kiến trúc. Kết quả là, cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa xác định được hình hài, diện mạo chính xác cho công trình này.
- Số hiện vật hiện nay của Bảo tàng Hà Nội liệu có đáp ứng được yêu cầu?
- Quả thực, khâu chuẩn bị và sắp xếp hiện vật rất nan giải. Bảo tàng Hà Nội ước có khoảng 20.000 hiện vật, nhưng bị trùng lặp, không có sự độc đáo so với nhiều bảo tàng khác. Chẳng hạn, bảo tàng có hàng nghìn mũi tên đồng, được tính là hàng nghìn hiện vật, nhưng số lượng có thể trưng bày chỉ là vài chục mũi! Một số lượng lớn hiện vật khác là cổ vật do nhiều cơ quan chuyển về, trong đó có một số do cơ quan công an thu giữ được trong các vụ án, do đó “lý lịch” không rõ ràng, cần được tổ chức giám định một cách khoa học, nghiêm túc trước khi trưng bày.
-Vậy giải pháp phòng ngừa việc bảo tàng trở thành một tòa nhà đẹp nhưng… rỗng là gì?
- Chúng tôi đã dự kiến một số phương án khác nhau như xin thêm kinh phí để mua cổ vật, liên lạc với các hội sưu tầm cổ vật để trao đổi hiện vật… Sở VH - TT Hà Nội cũng đang chỉ đạo Ban quản lý dự án bảo tàng Hà Nội khẩn trương hoàn thiện Đề cương trưng bày trong nhà bảo tàng mới và đang tiến hành trưng bày thử nghiệm trong Thành cổ Hà Nội.
- Xin cảm ơn ông!
>> Hầu hết các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chậm tiến độ
Theo ANTĐ