Tại buổi họp thực hiện các giải pháp chống sạt lở bờ sông vào chiều 7.8, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương khẩn trương di dời các hộ dân ở những vị trí nguy hiểm.
Giải toả ngay hộ dân ở nơi nguy hiểm
Tại các điểm có nguy cơ sạt lở đều đã được cắm biển cảnh báo. Ông Trần Minh Dũng, phó giám đốc Sở Giao thông công chính đề nghị các địa phương thông báo liên tục các vị trí này cho người dân biết và chủ động phòng tránh. Những nơi có nguy cơ sạt lở cao đã được giải toả sẽ lập dự án thi công kè bờ ngay.
Ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các địa phương rà soát từng trường hợp nằm trong vị trí nguy hiểm và vận động người dân tháo dỡ nhà lấn chiếm sông, rạch; tháo dỡ nhà và tài sản đến nơi ở mới an toàn trong mùa mưa bão. UBND các quận huyện xem xét những trường hợp đủ điều kiện thì bồi thường, bố trí tái định cư... Các quận huyện tìm kiếm quỹ nhà, chuẩn bị di dời và đẩy nhanh việc giải toả, giao mặt bằng để thi công dự án. Sở Kế hoạch đầu tư xem xét đề xuất ghi vốn kế hoạch để thực hiện các dự án chống sạt lở.
Đại diện Khu Đường sông cho biết, hiện đang thi công, chuẩn bị khởi động 23 dự án để gia cố bờ, lấp hố xói nhằm kiểm soát, hạn chế thấp nhất hiện tượng biến động dòng chảy và bờ sông gây nguy hiểm cho người, nhà dân sống hai bên.
Trong tháng này sẽ hoàn thành bốn dự án chống sạt lở bờ sông: bờ rạch Tôm, bờ sông Đồng Điền - xã Hiệp Phước, khu vực ấp 1 và khu vực cầu trạm 4 ở xã Phước Lộc. Riêng dự án khắc phục sạt lở bờ sông khu vực bến đò Hiệp Phước cũng đang được khẩn trương thi công và sẽ hoàn thành trong tháng 10.2007.
Có kế hoạch, chậm có tiền
Theo kế hoạch, tháng 9, dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.1 (từ hạ lưu cầu Kinh đến doanh trại quân đội) ở phường 25, quận Bình Thạnh cũng sẽ khởi động. Tuy nhiên, Khu Đường sông tỏ ra lo ngại vì hiện vẫn còn 19 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường. Nếu không giải toả kịp thì kế hoạch sẽ tiếp tục bị chậm thực hiện.
Hiện Khu đường sông phối hợp cùng với UBND quận Bình Thạnh lập dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa, đoạn 1.3 - từ thượng lưu cầu Kinh đến cầu Bình Triệu (phường 26, quận Bình Thạnh) - nơi xảy ra nhiều vụ sạt lở trong tháng 7 vừa qua. Sở Giao thông công chính cũng cho biết hiện có bốn dự án ở huyện Nhà Bè với tổng mức đầu tư trên 46 tỉ đồng nhưng chưa có kế hoạch vốn để thực hiện và huyện cũng chưa thành lập hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án được.
Cạnh đó có 12 dự án ở Bình Thạnh, Nhà Bè, Cần Giờ đã có chủ trương với tổng mức đầu tư trên 333 tỉ đồng nhưng vẫn chưa được ghi vốn chuẩn bị đầu tư nên chưa thể thực hiện.
Ông Dũng đánh giá, việc chậm giải phóng mặt bằng làm tiến độ thực hiện các dự án còn chậm.
Hiện nay có 36 điểm (tổng chiều dài trên 19.000m) có nguy cơ sạt lở cao ở các quận 7, 9, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Trong đó, nơi có nhiều nhất là huyện Nhà Bè (có 19 vị trí ở khu vực cầu Hiệp Phước, Mương Chuối, cầu Phú Xuân - Phước Kiển, Cây Khô...) và quận Bình Thạnh (9 vị trí tập trung ở khu vực bán đảo Thanh Đa, kênh Thanh Đa).
Các vụ sạt lở từ năm 2003:
- 2003: 2 vụ (bờ sông Sài Gòn và khu biệt thự Lý Hoàng (bán đảo Thanh Đa).
- 2004: 4 vụ (cầu Kinh Thanh Đa, cầu Mương Chuối, bến đò Hiệp Phước và biệt thự Lý Hoàng).
- 2005: 6 vụ (thượng lưu cầu Phước Long, biệt thự Lý Hoàng, cầu An Nghĩa, cầu Mương Chuối).
- 2006: 2 vụ (cảng Phước Long, kênh Thanh Đa).
- Bảy tháng đầu năm 2007: 7 vụ (sông Kinh lộ, rạch Tôm, kinh Thanh Đa, khu bãi cát bán đảo Thanh Đa, sông Mương Chuối, rạch Xóm Củi, Tắc Bến Rô).
Theo Kiều Phong - Sài Gòn Tiếp Thị