Chỉ còn gần 1 tháng nữa là giấy chủ quyền nhà, đất đã được cấp qua các thời kỳ (gọi tắt là giấy trắng) sẽ không còn giá trị trong giao dịch.
Bởi theo Nghị định 84 (ban hành ngày 25/6/2007) về hướng dẫn bổ sung trong thi hành Luật Đất đai năm 2003, từ 1/1/2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận (giấy đỏ, giấy hồng) mới được thực hiện các quyền chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê… Chính vì thế người dân dù thực sự chưa có nhu cầu cũng phải ùn ùn “chạy” theo chính sách để mong có được tấm giấy hồng “lận lưng”.
Làm vì sợ... thay đổi
Hiện TPHCM còn khoảng 200.000 căn nhà có giấy chủ quyền trắng. Do đặc thù nên trong nhiều năm qua các loại giấy này vẫn có giá trị trong giao dịch, chuyển nhượng…
Để loại bỏ những loại giấy này không thể “một sớm một chiều”, chính vì vậy Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã có những chỉ đạo cho các sở ngành, quận huyện có bước đi thích hợp nhằm “hóa màu” cho giấy trắng. Thế nhưng, người dân vẫn ùn ùn kéo đi đổi giấy trước thời hạn khiến các địa phương quá tải.
Trong một cuộc họp mới đây với Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính CCHC TP, các quận huyện đã phản ánh rất nhiều về tình hình cấp đổi giấy chủ quyền trắng. Theo các quận, từ khi có thông báo giấy trắng sẽ không được giao dịch vào thời điểm cuối năm, số hồ sơ xin đổi giấy hoặc cấp mới sổ hồng, sổ đỏ đã tăng lên đột biến.
Ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết nếu như trong 2 năm trước, bình quân Gò Vấp chỉ giải quyết 3.000 giấy chủ quyền/năm thì từ tháng 4 đến nay, quận đã tiếp nhận và giải quyết đến 6.000 hồ sơ.
Mặc dù đã nỗ lực làm việc thêm ngày thứ bảy, giải quyết bình quân 50 hồ sơ/ngày nhưng đến nay, quận còn hơn 2.000 hồ sơ chưa được thụ lý. Trong đó hồ sơ giấy trắng chuyển sang giấy hồng mới chiếm không ít. Tương tự, trong 9 tháng, quận Tân Phú đã tiếp nhận 11.716 hồ sơ, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước.
Quận 5 cũng đã tiếp nhận và giải quyết gần 1.000 hồ sơ, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước… Giải thích về tình trạng này, không chỉ người dân mà cán bộ cũng đưa ra đáp án chung: “Do chính sách nhà, đất cứ thay đổi xoành xoạch nên người dân có tâm lý phải “thủ” giấy nào mới nhất cho chắc ăn. Để khi có chuyện cần, chạy đi làm không bị lỡ việc”.
Khi được hỏi vì sao phải chờ đợi đổi sang giấy hồng mới trong khi mình chưa có nhu cầu, ông N.V.A, ngụ phường 8, quận Gò Vấp, trả lời ngay: “Giờ mà không làm thì sau này đóng tiền chết luôn, tôi phải bỏ công ăn việc làm mấy hôm nay để “đi canh”, làm cho xong, chứ không thì mệt lắm”.
Giải thích điều này, ông Phạm Gia Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Tài nguyên - Môi trường và Đăng ký nhà đất, cho biết, sau 1/1/2008, nhà có giấy trắng nếu muốn giao dịch thì mới phải đổi, còn không thì cứ để vậy, vẫn còn nguyên giá trị. Chúng tôi đã giải thích nhiều rồi nhưng dường như người dân vẫn chưa yên tâm.
Lý do có thể một phần là do trong Nghị định 84 quy định khác so với trước đây, là tiền sử dụng đất được tính tại thời điểm cấp giấy. Mà đất đai thì mỗi năm giá mỗi khác nên nhiều người lo lắng sau này sẽ đóng nhiều tiền hơn gấp bội và cứ ùn ùn đi đổi giấy, dẫn đến dồn dập hồ sơ, khiến cơ quan cấp giấy quá tải công việc.
Thực tế, không phải bất cứ trường hợp nào khi đổi từ giấy trắng sang giấy hồng cũng phải đóng tiền sử dụng đất mà tùy vào thời gian sử dụng đất cụ thể.
“Hợp lệ” mà không “hợp pháp”?
Theo Sở TN - MT, các loại giấy tờ hợp lệ xác định chủ quyền, gồm bằng khoán, giấy phép cho xây cất nhà, giấy mua bán do chính quyền cũ cấp trước 1975; quyết định, giấy phép xây dựng do Sở Nhà đất (cũ) hoặc UBND quận, huyện cấp; quyết định cấp phó bản giấy chủ quyền nhà, quyết định hoặc giấy chứng nhận của UBND quận huyện cấp đối với nhà nông thôn trước đây… Theo Nghị định 84/CP thì kể từ 1/1/2008, những loại giấy trắng nếu muốn giao dịch phải đổi sang giấy hồng.
Người dân chờ đợi làm thủ tục nhà đất tại UBND
quận Gò Vấp.
Theo Sài Gòn Giải Phóng