Top

ĐBSCL: xây chợ cho... bò tránh nắng!

Cập nhật 30/11/2007 10:00

Hiện nay các tỉnh ĐBSCL đã và đang xây dựng nhiều chợ nông thôn với kinh phí đầu tư mỗi chợ lên đến hàng tỉ đồng. Tiền tỉ bỏ ra nhưng chợ xây xong không có người vào bán gây lãng phí rất lớn.

Hơn ba năm trước, tỉnh Trà Vinh phê duyệt dự án xây dựng trung tâm cụm xã gồm các hạng mục như: chợ, trường học, trạm y tế, đường giao thông tại ấp Sóc Cầu, xã Hùng Hòa của huyện Tiểu Cần, có tổng vốn đầu tư 7 tỉ đồng. Đến nay dự án đã được giải ngân hơn 5 tỉ đồng, trong đó công trình chợ Sóc Cầu có kinh phí khoảng 1 tỉ đồng hoàn thành từ tháng 10 - 2004 nhưng nhiều năm qua chợ chưa nhóm họp được lần nào.

Do không có người quản lý nên chợ nhanh chóng xuống cấp, khu nhà lồng hoang vắng, người dân xung quanh thường xuyên dẫn trâu, bò vào đây nằm trốn nắng. Buổi chiều, chợ Sóc Cầu là nơi để thanh niên trong vùng đến... thi đấu bóng chuyền.

Nơi thả trâu bò, nơi làm "trại mộc"

Ông Kim Hiền nhà cạnh chợ trên bức xúc: "Ba năm qua chợ không nhóm họp nên gia đình tôi dù ở cạnh chợ nhưng không buôn bán được gì. Trước đây, khi 8.000m2 đất vườn chưa bị trưng dụng làm chợ mỗi tháng gia đình tôi thu hoạch rau cải, cây ăn trái bán được hơn 1 triệu đồng. Giờ đây lâm vào cảnh trắng tay mà còn thiếu nợ ngân hàng 10 triệu đồng".

Không riêng gì ở huyện Tiểu Cần, các huyện khác trong tỉnh Trà Vinh cũng có rất nhiều chợ đầu tư tiền tỉ nhưng chỉ để... bò nằm. Đó là chợ xã Tân Hiệp ở huyện Trà Cú và chợ trung tâm xã Phong Phú của huyện Cầu Kè. Chợ Phong Phú rộng 6.500m2, tổng kinh phí đầu tư bao gồm chi phí san lấp mặt bằng, đường nội bộ, bờ kè chống sạt lở, bồi hoàn... lên đến khoảng 3 tỉ đồng song hiện nay chỉ có vài người vào bán.

Mặc dù chợ hoang vắng nhưng ban quản lý dự án đang tiếp tục đầu tư thêm 900 triệu đồng để san lấp mặt bằng, lót đan sân, láng đường nội bộ và hệ thống thoát nước trên diện tích 3.500m2. Một cán bộ huyện Trà Cú cho biết vì đây là nguồn vốn được phân bổ hằng năm của chương trình 135 nên phải sử dụng theo kế hoạch đã được phê duyệt dù chợ hoạt động không hiệu quả (?).

Ở tỉnh Sóc Trăng có chợ Nhâm Lăng nằm trên địa bàn phường 5, TP Sóc Trăng được đầu tư trên 500 triệu đồng nhưng nhà lồng bỏ trống, tiểu thương che lều bán ở bãi cỏ bên ngoài. Ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có chợ Thuận Hưng và chợ Mỹ Thuận được đầu tư xây dựng khoảng 500 triệu đồng/chợ nhiều năm qua vẫn vắng tanh.

Cuối đường Lý Thường Kiệt, TP Sóc Trăng có chợ phường 4 được xây dựng trên 1 tỉ đồng hiện nay nhiều kiôt cửa đóng im ỉm, khu nhà lồng bỏ trống.

Ở Kiên Giang, nằm cách quốc lộ 61 non một cây số có chợ cụm dân cư vượt lũ Vĩnh Hòa Hiệp thuộc huyện Châu Thành được đầu tư xây dựng gần 800 triệu đồng. Cũng giống như các "chợ hoang" ở Sóc Trăng và Trà Vinh, chợ Vĩnh Hòa Hiệp được xây xong cách nay ba năm nhưng không thấy một bóng người.

Nhiều nông dân mua đất cất nhà quanh chợ để tìm cơ hội mua bán, vậy mà từ trước đến nay họ chưa được làm tiểu thương ngày nào. Chợ thuộc tuyến dân cư vượt lũ của xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cũng chung số phận. Khu chợ này nằm gần quốc lộ 80, có vốn đầu tư 800 triệu đồng, hiện để cho một hộ dân chiếm dụng mở... trại mộc.

Xây dựng theo kiểu "quán tính"

Phân tích nguyên nhân chợ không người nhóm họp, ông Nguyễn Thanh An - phó chủ tịch UBND xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) - nói: "Chợ chưa phát huy được tác dụng là do hiện nay chưa có đường ôtô về đến trung tâm xã. Khó khăn thứ hai là đến thời điểm này xã vẫn chưa được giao quyền sử dụng đất nên chưa phân lô cho người dân vào buôn bán theo qui hoạch. Nếu giải quyết được hai khâu này, chợ Hùng Hòa sẽ phát huy được tác dụng".

Trong khi đó, theo lời một cán bộ Sở Thương mại tỉnh Trà Vinh, thời gian qua các chợ xây dựng thuộc chương trình 135 của Chính phủ đều do UBND các huyện làm chủ đầu tư nên không xây dựng theo đúng qui hoạch của ngành thương mại.
 
Thực tế cho thấy những chợ được xây dựng mới tại những nơi chợ có sẵn hoặc nơi có điều kiện giao thông thuận lợi theo qui hoạch đã phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giao lưu hàng hóa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Hoàng Ân - phó giám đốc Sở Thương mại và du lịch tỉnh Sóc Trăng - cho rằng thời gian qua có một số chợ được xây dựng theo "quán tính" rất chủ quan của lãnh đạo địa phương. Nhiều chợ xã không có người vào bán là do không khảo sát mật độ dân cư, địa phương tổ chức thu tiền nên người nghèo ngại mang bó rau, rổ cá vô chợ bán.

Ông Ân cho biết: "Một số nơi xây chợ xong chính quyền địa phương bảo không thu tiền của dân nhưng chúng tôi khảo sát thì thấy có thu đủ thứ như: thuế môn bài, phí vệ sinh, tiền hoa chi...

Chính vì vậy nên người dân không chịu vô nhà lồng bán mà che lều tạm bợ để bán bên ngoài vì ở nông thôn tiểu thương chủ yếu đều là người nghèo. Đối với những chợ xây tại thị trấn, thị tứ thì tổ chức thu tiền theo hình thức "lấy chợ nuôi chợ", nhưng đối với khu vực nông thôn phải miễn phí mới có thể thu hút được người dân vào mua bán".



Theo Tuổi Trẻ