Top

Cải tạo chung cư cũ quá khó

Cập nhật 14/09/2008 01:00

152 chung cư, nhà tập thể cũ ở 11 quận nội thành TP.HCM với gần 12.600 hộ dân đang cư ngụ cần phải tháo dỡ để xây dựng mới hoặc sửa chữa. Song, quá trình này vẫn rất chậm.

Nguy hiểm từ 59 khu chung cư cũ nát

Tại TP.HCM, trong số 152 khu chung cư, nhà tập thể cũ được xây dựng từ lâu, có 59 chung cư sau khi khảo sát được liệt vào danh sách phải tháo dỡ, di dời và xây dựng mới.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2010, quận 10 sẽ giải tỏa 1.680 hộ trong các chung cư và khu nhà tập thể đã xuống cấp trên địa bàn quận.

Tại chung cư Ngô Gia Tự ở phường 2, phường 3 (quận 10), mức độ xuống cấp của lô C là trầm trọng nhất, chất lượng chỉ còn 46,9%, còn hầu hết ở mức chất lượng từ 50 - 57%.

Tại chung cư Nguyễn Kim (phường 7), chất lượng của lô P chỉ còn 39,2%, các lô khác cũng đều có chất lượng ở mức 45 - 56%.

Điều đáng nói dù nằm trong danh mục phải xây dựng mới, lô P của chung cư Nguyễn Kim (có 144 hộ cư ngụ) đã có kế hoạch xây dựng lại từ năm 2006 nhưng đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Theo lãnh đạo quận 10, do tiến độ triển khai xây dựng mới còn chậm, lượng dân cư phải di dời nhiều nên quá trình giải tỏa, di dời tại các lô K, L, M, N, O, P chung cư Nguyễn Kim và các lô A, B, C, E , F, G chung cư Ngô Gia Tự sẽ tiến hành theo hình thức "cuốn chiếu".

Trước mắt, lô B chung cư Ngô Gia Tự sẽ được giải tỏa trong tháng 10.2008, hơn 180 hộ dân tại lô B sẽ được tái định cư vào các cao ốc A Nguyễn Kim và cao ốc A Ngô Gia Tự đã hoàn thành.

Trên nền lô B chung cư Ngô Gia Tự sẽ xây dựng một khu chung cư 15 tầng với 336 căn hộ dành để tái định cư cho các hộ dân của lô G (264 hộ), lô A (72 hộ) của chung cư Ngô Gia Tự.

Ngoài ra, quận 10 cũng đang chuẩn bị kế hoạch di dời các lô O, K, L, M, N chung cư Nguyễn Kim; các lô A, B, C, D, E, F khu chung cư Ấn Quang (phường 9) để tháo dỡ các khu chung cư này sau năm 2010.

Theo kết quả khảo sát của các đơn vị kiểm định, hầu hết các khu chung cư cũ nát tại TP.HCM đều không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy; hiện tượng lún nứt đà trần, thấm dột khá phổ biến.

Tại quận 5, có 6 khu chung cư với 282 hộ dân đang cư ngụ gồm chung cư 24 Ngô Quyền (phường 6), 206/2 - 206/34 Trần Hưng Đạo, 254/1-12 Trần Hưng Đạo, 23/1-23/17 Phù Đổng Thiên Vương (phường 11), 15-33 Trần Hòa (phường 10), 194 Đỗ Ngọc Thạnh (phường 12) đang trong kế hoạch xây dựng mới nhưng do thủ tục quá nhiêu khê nên đành phải chờ.

Chung cư 727 Trần Hưng Đạo là một trong những dự án trọng điểm cần phải giải tỏa để xây dựng lại. Nhưng dù UBND TP.HCM đã nhiều lần thúc giục và giao hạn chót phải di dời là ngày 30.4.2008, nhưng đến ngày 1.9.2008 chỉ mới có khoảng 50 hộ nhận tiền di dời.

UBND quận 5 đang rất khó khăn với bài toán giải tỏa tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo vì còn hơn 450 hộ dân chưa chịu đi do giá đền bù thấp, trong khi giá bán căn hộ tái định cư lại quá cao, khiến nhiều hộ không đủ tiền mua nhà mới.

Loay hoay tìm giải pháp


Mặc dù TP.HCM đã có kế hoạch giải tỏa khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) để đầu tư một khu đô thị mới từ nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay tình hình vẫn giậm chân tại chỗ vì thiếu nhà đầu tư đủ tiềm lực thực hiện dự án.

Trong đó, vấn đề phức tạp là di dời 4.300 hộ dân đang cư ngụ tại 22 lô chung cư Thanh Đa, hầu hết đều có chung hiện tượng sàn mái bị thấm, lớp vữa bong tróc, cốt thép bị gỉ sét, hệ thống thoát nước bị hư mục và sàn nhà thấp thường xuyên bị ngập.

Đặc biệt, theo kết quả kiểm định, có 4 lô tại đây bị nghiêng lún, trong đó 2 lô IV và VI có 280 hộ dân đang cư ngụ được đơn vị kiểm định đánh giá là nghiêng, lún nghiêm trọng. Mới đây, UBND quận Bình Thạnh cho biết đã có kế hoạch đến năm 2011 đầu tư xây dựng mới các dự án cao ốc căn hộ tại đây.

Đáng lưu ý là việc tái định cư cho các hộ dân di dời gặp nhiều vướng mắc từ nhiều năm qua nhưng đến nay, TP.HCM vẫn chưa có một mô hình thống nhất.

Chẳng hạn, thông thường chung cư cũ thường có diện tích nhỏ nhưng khi tái định cư thì diện tích nhà chung cư mới xây lại khá lớn, người dân phải trả tiền phần diện tích chênh lệch theo giá thị trường với số tiền đôi khi gấp đôi cả tiền đền bù.

Đó là chưa kể giá bồi thường tại các chung cư cũ còn rất thấp so với mức giá tại các chung cư mới xây để tái định cư. Một trong các phương án mới đây do UBND quận 10 đưa ra đang được nhiều người đồng tình.

Đó là người dân bị di dời có nguyện vọng thuê nhà tại các chung cư tái định cư sẽ được cho thuê theo giá bảo toàn vốn trong vòng 30 năm. Đây cũng là một giải pháp "mở" cho nhiều hộ dân khó khăn hiện đang ngụ tại các khu chung cư cũ nát phải di dời trong tương lai.

Theo lãnh đạo nhiều quận, có 3 vấn đề khiến cho dự án cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư bị kéo dài. Đó là các thủ tục pháp lý để lập dự án xây dựng mới rất phức tạp, thứ hai là vấn đề đền bù giải tỏa, thứ ba là các doanh nghiệp hầu như không "mặn mà" với việc xây dựng mới các chung cư cũ.

Một cán bộ quận 10 cho biết: "Ban đầu, khi mời gọi đầu tư vào các chung cư cũ tại quận 10, có khá nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia nhưng sau đó hầu hết đều rút lui. Lý do doanh nghiệp đưa ra là sau khi tính toán tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, họ thấy việc kinh doanh không có lợi nhuận, trong khi việc giải tỏa tái định cư lại rất khó khăn, rắc rối".


Theo Thanh Niên