Top

Chung cư Hà Nội trong cơn lốc xây mới

Cập nhật 28/07/2010 13:30

Dự thảo mới đây của Bộ Xây dựng về cải tạo, tháo dỡ xây mới chung cư cũ được coi là một giải pháp tích cực tại Hà Nội. Theo đó, với các chung cư cũ nát, xuống cấp nặng, khi 2/3 tổng số chủ hộ đang sống tại đây đồng ý, chủ đầu tư có thể tiến hành cải tạo, xây dựng.

1. Dự thảo nêu, chủ hộ ở chung cư cải tạo, xây dựng mới nếu vẫn tiếp tục ở lại chung cư mới sẽ được nhận diện tích bằng 1,3 lần so với diện tích sử dụng cũ. Còn chuyển đi, tái định cư ở nơi mới, được đền bù bằng 1,5 lần diện tích cũ. Tuy nhiên, phần diện tích dôi ra (0,3 hoặc 0,5) sẽ được hai bên thỏa thuận theo giá thị trường.


Khu tập thể Kim Liên với tuổi đời trên 40 năm.

Trước đây, điều quan trọng khiến người dân không muốn để nhà đầu tư cải tạo hoặc dỡ bỏ xây mới chung cư cũ, cho dù có xuống cấp, nguy hiểm và bất tiện trong sinh hoạt là ở chỗ họ sẽ được đền bù bao nhiêu. Còn nếu theo quy định mới này, cơ sở để hai bên thỏa thuận khá hợp lý. Ông Hào, một cư dân nhà E5 khu Thành Công cho biết, việc đền bù thêm diện tích như vậy là thỏa đáng. Vấn đề còn lại mức giá chủ đầu tư đưa ra phần diện tích chênh lệch sẽ là bao nhiêu. “Theo giá thị trường, nói như vậy mông lung quá. Giá thị trường lúc nào? Lúc đồng ý cho chủ đầu tư thi công, hay khi xây xong nhà? Chỗ này phải làm rõ”, ông Hào nói.
Còn đại diện một chủ đầu tư cải tạo chung cư Giảng Võ cho biết, việc quy định chỉ cần 2/3 tổng số chủ hộ trong chung cư đồng ý là điều kiện tốt cho nhà đầu tư. Nhưng vấn đề là với 1/3 chủ hộ còn lại, liệu sau đó họ có chấp thuận theo số đông không. “Nếu họ không đồng ý, thì ai có trách nhiệm giải tỏa?. Trước kia chỉ cần một hộ trong chung cư không đồng ý thì không làm gì được.

Nói chung người dân sống ở chung cư đã quen với nếp sinh hoạt vốn có. Cho dù có những căn hộ chỉ 40m² nhưng có tới gần 10 người thuộc 3 thế hệ sinh sống, họ vẫn chấp nhận. Nói chung, người dân chỉ thuận khi thấy có lợi, đó cũng là thực tế. Ví dụ, trường hợp 2 hộ dân trong khu nhà B4 khu tập thể Kim Liên không chịu mức đền bù 2 kiốt xây dựng trên đất lưu không, nên việc cải tạo khu nhà này (do Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng thực hiện) suốt từ năm 2006 đến nay vẫn chưa xong, cho dù có không ít công văn của UBND cấp quận, cấp thành.

Nếu dự thảo nói trên được thực thi thì tiến độ cải tạo, xây nới chung cư trong nội thành Hà Nội chắc chắn được đẩy nhanh. Hiện Hà Nội có 23 khu chung cư cũ nát, chưa kể rất nhiều chung cư lẻ khác cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được cải tạo, xây mới.

2. Tuy nhiên, việc phá dỡ chung cư cũ, hoặc xây chung cư mới cũng chưa hẳn thuyết phục người dân. Lý do chính ở chất lượng công trình và kết cấu hạ tầng không hoàn chỉnh. Khu Bắc Linh Đàm là thế hệ chung cư mới đầu tiên của Hà Nội, kể từ sau những khu nhà tập thể như Trung Tự, Kim Liên, Giảng Võ, Trương Định… Lúc đầu, nhìn hình thức sáng sủa, nhiều người Hà Nội mơ ước được sống tại đây.

Nhưng sau thời gian ngắn đến sinh sống, họ nhận thấy nhiều bất cập. Trước hết, phải trả tiền quá nhiều loại dịch vụ và giá cao: nào là tiền vệ sinh, bảo vệ, thang máy, chỗ gửi xe, phòng cháy… Tiếp đó là việc thiếu trường cho trẻ, không có bệnh viện, thiếu chợ và cả những nơi vui chơi giải trí. Thời gian ở chưa bao lâu, một số chi tiết trong căn hộ lại hư hỏng. Chị Mai, một người sống trong chung cư này cho biết, 2 năm sau khi nhận nhà, nền nhà đã bung gạch. Còn cửa gỗ hầu hết phải thay mới do cong vênh, mối mọt. Ngay phần lan can cũng khá nguy hiểm, vì thấp nên trẻ con chơi ở đây bao giờ cũng phải có người lớn kèm, vì sợ lao đầu xuống đất.

Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần BĐS, dự đoán: “Hà Nội sẽ xây nhiều chung cư hơn, nhưng việc giao dịch không sôi nổi như trước”. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã phải giảm giá bán căn hộ chung cư nhưng tình hình vẫn không sáng lên.

Như vậy, xây dựng chung cư ở Hà Nội không chỉ tính đến việc hài hòa quyền lợi giữa người đang sống trong chung cư với chủ đầu tư, mà còn ở chất lượng xây dựng. Trong cơn lốc của việc xây cất chung cư hiện nay, nếu nhà đầu tư chỉ lo tìm kiếm lợi nhuận, không thực hiện đúng những cam kết chất lượng thì trước sau cũng tạo ra những khu nhà xập xệ, gánh nặng đô thị mai sau.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng