Top

Xử lý xây dựng sai phép: Không xét nét theo bản vẽ

Cập nhật 21/02/2009 08:30

Nhà nước chỉ nên quản lý các chỉ tiêu cơ bản, còn nội thất bên trong dành quyền cho chủ nhà.

"Quản lý trật tự xây dựng là quản lý theo giấy phép xây dựng hay theo bản vẽ thiết kế đính kèm? Cần làm rõ nội dung này để người dân đỡ khốn đốn với cách xử lý không thống nhất của các cơ quan chức năng". Ông Phạm Phú Tâm, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, đã mở đầu buổi hội thảo “Xây dựng sai phép - Nguyên nhân và giải pháp” (do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào sáng qua) bằng những lưu ý như trên.

Thế nào là sai phép?

Theo bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, giấy phép xây dựng có yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng nhà ở theo bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt đính kèm. Nhưng trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có thể thay đổi một số chi tiết cho phù hợp thực tế như xây nhỏ hơn để chừa hành lang trồng hoa, thay đổi chiều cao các tầng, hoán đổi vị trí, diện tích các phòng v.v... Đây là những thay đổi không ảnh hưởng đến quy hoạch, quy chuẩn nên các đơn vị chức năng không nên xem đó là xây dựng sai phép. Bà Loan kiến nghị Bộ Xây dựng nên thống nhất hướng dẫn “thế nào là sai phép” để hạn chế nơi xử phạt, nơi “tha bổng”.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, không tán thành với cách xử lý bất nhất nêu trên, bởi lẽ “đã xây dựng sai phép là phải xử phạt, không thể du di”. Vấn đề cần bàn ở đây là bản vẽ thiết kế có phải là một nội dung của giấy phép xây dựng hay không. Bà Hương phân tích: “Giấy phép xây dựng có ghi chú “được phép xây dựng theo thiết kế có số hiệu...”. Từ chỗ này, nhiều người đã cho rằng bản vẽ thiết kế là một bộ phận không thể tách rời của giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng là quản lý theo bản vẽ thiết kế. Cách hiểu này dẫn đến việc nhà nước đã quản lý đến từng bộ phận bên trong căn nhà, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân sai phép vì chỉ cần điều chỉnh một chi tiết nhỏ thuộc về nội thất cũng bị xem là sai phép”.

“Theo tôi, bản vẽ không phải là nội dung của giấy phép”. Viện dẫn Điều 64 Luật Xây dựng, bà Hương đã góp ý như vậy. Theo điều luật này, nội dung giấy phép xây dựng chỉ gồm năm nội dung: địa điểm, vị trí; loại, cấp công trình; cốt xây dựng; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; bảo vệ môi trường và an toàn công trình. Giấy phép cấp cho các công trình dân dụng, công nghiệp trong đô thị có thêm nội dung về diện tích xây dựng, chiều cao từng tầng, chiều cao tối đa, màu sắc công trình và hiệu lực của giấy phép. “Nếu vậy, các cơ quan chức năng đã làm sai quy định khi quản lý từng chi tiết bên trong căn nhà theo bản vẽ thiết kế”. Bà Hương ví von: “Coi chừng mình đang tự vẽ cái vòng cho mình đứng rồi than!”.

Đồng thuận với Sở Tư pháp, tiến sĩ Võ Kim Cương cũng cho rằng: “Dường như đang có sự lẫn lộn giữa giấy phép và bản vẽ thiết kế, giữa cái bắt buộc và cái khuyến khích thực hiện trong quản lý xây dựng. Chẳng hạn, chiều cao mỗi bậc cầu thang chỉ nên từ 15 cm đến 17 cm, ai muốn làm cao 20 cm hoặc ít hơn cũng được, vì đây chỉ là sự khuyến khích, họ không làm thì thôi”.

“Phân tích đến đây thì vấn đề đã rõ 80%” - kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất nhận xét. Ông cho rằng các quy định về xây dựng phải rõ ràng, không thể sai nhỏ thì bỏ qua vì dễ dẫn đến tùy tiện. Các quy định quản lý phải thật đơn giản, đúng luật nhưng vẫn đảm bảo cho đơn vị tư vấn và chủ đầu tư được quyền sáng tạo. Khi ấy, nhà quản lý sẽ không tốn quá nhiều nhân lực, công sức để đi kiểm tra, phát hiện những trường hợp xây sai phép như hiện nay.



Ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra xây dựng Bộ Xây dựng, khẳng định
nhà nước không can thiệp vào nội thất bên trong căn nhà. Ảnh: Thanh Nhã.


Chỉ căn cứ theo giấy phép xây dựng


Khác với các quan điểm trên, ông Bùi Hồng Hà, chuyên viên Sở Quy hoạch-Kiến trúc, lại cho rằng bản vẽ thiết kế là nội dung của giấy phép xây dựng. Có những chi tiết tuy nằm bên trong căn nhà nhưng các cơ quan chức năng vẫn phải xem xét, điều chỉnh. Ví dụ, người dân không thể trổ cửa ra đường vì sẽ gây đụng chạm đến người đi đường. Tuy nhiên, ông Hà cũng đồng ý không phải sai thiết kế là sai phép: “Nếu những chi tiết đó không gây ảnh hưởng đến cộng đồng, đến sự an toàn thì... thôi vậy”.

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhận định bản vẽ giấy phép xây dựng là minh họa cho nội dung của giấy phép nên nó phải đi kèm theo giấy phép. Song nhiều quận, huyện đang có cách hiểu không đúng về việc kiểm tra, quản lý giấy phép xây dựng. “Kiểm tra việc xây dựng và xử lý vi phạm là xử lý theo giấy phép. Việc bố trí nội thất bên trong căn nhà là ý chí của chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền không nên quan tâm và không cần can thiệp. Cơ quan nào xử phạt những điều chỉnh bên trong là chưa hiểu đúng pháp luật” - ông Tuyến nhấn mạnh. Ông cho biết sắp tới, khi tham mưu cho UBND TP sửa đổi Quyết định 04 năm 2006, Sở sẽ lưu ý đến các vấn đề này để tạo thuận tiện cho người dân trong việc xây dựng nhà ở.

Gút lại hội thảo, ông Phạm Gia Yên - Chánh thanh tra xây dựng Bộ Xây dựng khẳng định: “Bản vẽ thiết kế là một thành phần của giấy phép xây dựng; các yếu tố của giấy phép được lấy ra từ bản vẽ. Không ai có thể hiểu khác hơn. Tuy nhiên, việc xử phạt sai phép chỉ nên dựa trên năm chỉ tiêu của giấy phép xây dựng”.



Kiến trúc sư Võ Kim Cương cho rằng cần quy định rõ ràng thứ gì người dân
 bắt buộc phải làm, thứ gì người dân được tự quyết định. Ảnh: Thanh Nhã.




Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất đề nghị nhà nước phải tôn trọng quyền
sáng tạo của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế. Ảnh: Thanh Nhã.


Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8:

Không thể đánh đồng các vi phạm


Quy định hiện nay chưa phân biệt trường hợp sai phép nào phải phá dỡ, trường hợp nào không. Nếu xem tất cả các trường hợp xây dựng sai thiết kế đều là sai phép và buộc phá dỡ thì sẽ có rất nhiều quyết định xử lý vi phạm được ban hành nhưng không khả thi, gây ra tâm lý xem thường pháp luật của một số người dân.

Tại quận 8, người dân chỉ phải xin điều chỉnh thiết kế được duyệt kèm theo giấy phép xây dựng đối với các trường hợp thay đổi lớn như thay đổi quy mô xây dựng (tăng thêm tầng cao), tăng diện tích sàn xây dựng. Còn những thay đổi bố cục bên trong căn nhà như thay đổi vị trí phòng, cửa, cầu thang, nhà vệ sinh, ô thông thoáng... thì không cần điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng:


Tăng trách nhiệm của nhà thiết kế

Ở các nước, chỉ có hai bản đồ để quản lý công tác xây dựng là bản đồ quy hoạch sử dụng đất (chủ yếu là đất công, đất công trình công cộng, hạ tầng và đất dự trữ); bản đồ phân khu chức năng (chủ yếu quy định khu trung tâm, công cộng, thương mại, khu ở; đối với quy hoạch khu cao tầng và thấp tầng thì có kèm theo các điều kiện ràng buộc về vách mặt tiền, lộ giới, mật độ, vỉa hè, hành lang, bậc cấp, vị trí đấu nối điện, nước, cốt nền, bảng số nhà, đèn đường, vị trí cây xanh...).

Từ hai bản đồ căn bản này, họ bắt đầu quy hoạch từng dự án cụ thể, kèm theo nguồn vốn, chủ đầu tư và thời gian hoàn thành. Các bản đồ và dự án quy hoạch này được sự tham gia của người dân với mọi thành phần để đi đến tiếng nói chung, hài hòa lợi ích. Nó sẽ trở thành luật đô thị của thành phố đó, của tỉnh đó hay một huyện, xã, khu phố đó.

Công việc còn lại của từng dự án, công trình cụ thể chỉ là quan hệ độc lập giữa các đối tác trong đô thị: Mua bán tài sản có luật sư và công chứng, thiết kế kiến trúc có văn phòng kiến trúc... Đương nhiên các thành phần này phải hành nghề dựa theo “điều kiện sách” của từng thành phố, tỉnh, huyện, mỗi nơi có quy định và luật đô thị khác nhau. Nếu họ thiết kế sai thì họ phải chịu trách nhiệm.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP