Năm năm kể từ khi có mặt tại Việt Nam, mô hình dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đã phát triển khá mạnh. Các dự án hạng trung là phân khúc được tập trung đầu tư. Tuy nhiên, BĐS du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai...
85% khách hàng là người Việt
Bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng thu hút các nhà đầu tư.
|
Theo khảo sát của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, tính đến hết năm 2010, Việt Nam có khoảng trên 50 dự án BĐS nghỉ dưỡng, cung cấp cho thị trường khoảng 5.300 căn biệt thự và hơn 6.600 căn hộ cao cấp. Trong đó, khu vực miền Trung, với lợi thế lớn để phát triển du lịch, có tới hơn 3.700 biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng. Đặc biệt, 85% chủ nhân số biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng là người Việt. Khách hàng từ Hà Nội chiếm tới 40%, còn TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 30%. Phần lớn khách hàng còn rất trẻ.
Trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ hạng trung thu hút các nhà đầu tư hơn cả. Một nghiên cứu mới đây của CBRE cho thấy, nhóm khách hàng quan tâm và có khả năng chi trả cho BĐS nghỉ dưỡng có trị giá 200.000 đến 300.000 USD chiếm khoảng 32%. Trong khi đó, BĐS trị giá dưới 200.000 USD thu hút tới 61% khách hàng. Tương tự, nhóm nhà đầu tư trong nước, nhóm khách hàng nước ngoài, mặc dù thu nhập hằng năm ở mức cao (60.000 - 80.000 USD) nhưng cũng chỉ có khoảng 27% có nhu cầu và trang trải được cho loại BĐS có giá từ 300.000 đến 400.000 USD.
Số còn lại tập trung đầu tư BĐS có mức giá 200.000 - 300.000 USD. Ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà Thăng Long nhận định, dự án hạng trung là phân khúc phù hợp nhất để đầu tư giai đoạn này, cũng như dễ dàng cho thuê khi dự án đi vào vận hành. Vì vậy, khả năng thu lợi nhuận của nhà đầu tư cũng cao hơn.
Tiềm năng phát triển chưa được tận dụng triệt để
Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty CP Sông Đà Thăng Long (chủ đầu tư dự án Condotel Dragon Pia - Nha Trang) cho biết, Việt Nam có điều kiện hình thành những trung tâm BĐS nghỉ dưỡng, nhất là khu vực miền Trung, nhờ có thiên nhiên kỳ thú, khí hậu nắng gió quanh năm, cơ sở hạ tầng thuận tiện. Bên cạnh đó, nhu cầu hưởng thụ của bộ phận người dân trong nước có thu nhập khá ngày càng cao, trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng mạnh.
Tuy nhiên, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai mặc dù phát triển nhanh và có nhiều yếu tố thuận lợi. Trước hết, xuất phát từ mục đích sử dụng là khai thác cho thuê nên loại hình này có phát triển được hay không phụ thuộc nhiều vào chính sách thu hút du lịch, tổ chức sự kiện của chính quyền địa phương. Thứ hai là sự cát cứ của các nhà đầu tư trong khi thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn đến tình trạng phát triển theo phong trào, xé vụn cảnh quan, khó tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh cho một khu vực; đồng thời mang đến nguy cơ mất cân đối về số lượng dự án giữa các địa phương. Ngoài ra, giá trị BĐS lớn nên đối tượng khách hàng chỉ tập trung vào người có khả năng tài chính và có nhu cầu cao.
Tín hiệu đáng mừng là các chính sách về nhà ở đã gần như mở hoàn toàn đối với Việt kiều - một đối tượng khách hàng tiềm năng bên cạnh khách hàng giàu có trong nước. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng kiều hối đổ về Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3,6 - 3,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó lựa chọn số 1 của Việt kiều khi đầu tư về Việt Nam là BĐS.
Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Việt, khách hàng mua BĐS nghỉ dưỡng, du lịch thường là để khẳng định đẳng cấp và họ khá kỹ tính khi chọn lựa dự án để đầu tư. Vì vậy, một trong những yếu tố quan trọng để dự án thành công là cần có sự kết hợp yếu tố ngoại trong thiết kế, quản lý, khai thác để bảo đảm khẳng định đẳng cấp, tính chuyên nghiệp. Điều này cũng góp phần thu hút lượng du khách cao cấp và kích thích nhu cầu quay lại đầu tư BĐS nhằm hai mục đích hưởng thụ và sinh lời.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới