Top

Xây dựng và phát triển thành phố hai bên bờ sông Hồng

Cập nhật 10/07/2007 09:00

Như nhiều thành phố khác trên hành tinh, Thăng Long - Hà Nội vốn hình thành và phát triển gắn liền với một dòng sông; và đó là dòng sông lớn nhất nước Đại Việt ngày trước; cũng là lớn nhất cả nước Việt Nam ngày nay, khi sông Mêkông chỉ tính phần chảy qua đất Việt! Nhìn bản đồ thế giới, không hiếm những thành phố thủ đô đã và đang xây dựng, phát triển bề thế cùng với dòng sông lịch sử, như: Paris với sông Xen; Luân Đôn với sông Thêm; Buđapét với sông Đanuýp; Xơun với sông Hàn… Trong lịch sử đã nhiều trăm năm Thăng Long - Hà Nội dựa vào dòng sông Hồng để phát triển (đệ nhất Kinh kỳ "trên bến dưới thuyền!").

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cũng đã có thời chúng ta chỉ lo chống đỡ những đe dọa lũ lụt, xâm thực... Giờ đây, cận kề Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, với vị thế mới, tiềm lực mới, cần thiết đặt vấn đề nghiên cứu, phát huy vai trò dòng sông Hồng như một yếu tố phát triển quý báu được thiên nhiên ban tặng, phục vụ xây dựng và phát triển thành phố Thủ đô "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", bước vào thế kỷ và thiên niên kỷ mới.

Đặt trong mối quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nhà nước Việt Nam - Hàn Quốc, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Thị trưởng Thành phố Xơun đã ký thoả thuận hợp tác nghiên cứu Dự án lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng (đoạn qua Hà Nội) với sự trợ giúp của chính quyền thành phố Xơun.

Đây là một dự án lớn, đưa mục tiêu: Nghiên cứu phạm vi dọc hai bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, có chiều dài gần 40km, thuộc địa bàn 5 quận, 4 huyện. Tổng diện tích hơn 10.500 ha với 17 vạn dân (tính riêng phần bãi ngoài đê). Phía Hàn Quốc, Ngài Phó Thị trưởng Xơun, chuyên ngành quy hoạch đô thị trực tiếp tham gia chỉ đạo, với mong muốn "kỳ tích sông Hàn" năm nào sẽ được tái hiện thành "kỳ tích sông Hồng" nay mai. Thành phố đã thành lập Tổ công tác dự án sông Hồng, giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc làm đầu mối chuyên trách, chủ trì phối hợp với Ban Hỗ trợ dự án của thành phố Xơun, cùng các chuyên gia Hàn Quốc, Việt Nam.

Được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, qua gần một năm triển khai, đến nay dự án đang bước vào giai đoạn tổng hợp đề xuất kết quả cuối cùng. Theo đó, những định hướng cơ bản cho sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã dần hiện rõ. Dòng sông lịch sử có cơ hội trở lại khẳng định vị thế xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Khi dự án được duyệt thực thi, trước hết tuyến đê hai bên bờ sông Hồng sẽ được củng cố, nâng cao khả năng chống lũ. Đồng thời điều chỉnh tuyến, mở rộng lòng sông ở một số đoạn để tạo dòng chảy hợp lý, tăng cường khả năng thoát lũ, hạ thấp mực nước. Nhấn mạnh những bài học của Quy hoạch sông Hàn, như không tổ chức giao thông cơ giới nặng sát bờ sông; các công trình kiến trúc theo triền đê được bố trí khác cốt, bảo vệ mối quan hệ tự nhiên, hài hòa giữa thiên tạo và nhân tạo.

Với những bảo đảm chắc chắn nâng cao năng lực thoát lũ, xác định phạm vi, quy mô phát triển đô thị vùng ven sông theo 4 khu chức năng. Hệ thống cây xanh sinh thái bảo tồn kết hợp với công viên vui chơi giải trí, học tập, thể thao, du lịch sinh thái. Các khu đô thị mới 2 bên sông với những tổ hợp công trình lớn như: Trung tâm quốc tế đa năng; Công viên chủ đề các sự kiện thế giới; Trung tâm thương mại dịch vụ; Trung tâm phân phối tổng hợp.
 
Đương nhiên không thể thiếu đan xen các Khu dân cư đa dạng mức độ thích hợp. Bố trí hài hòa cả 4 khu chức năng nhằm tạo dựng hình ảnh đặc trưng đô thị của Hà Nội - thành phố hai bên bờ sông Hồng, hướng ra sông Hồng. Một trục không gian được tổ chức dựa trên các yếu tố nền tảng cây xanh - mặt nước - văn hoá, sẽ là dấu ấn, hình ảnh phát triển đô thị của Hà Nội trong thế kỷ XXI.

Với mong muốn tập hợp được trí tuệ rộng rãi, phản ánh được nguyện vọng của cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, một ngày gần đây, Dự án sẽ được trưng bày để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Tôi hy vọng Dự án quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân Thủ đô, những chuyên gia quy hoạch kiến trúc yêu mến Thủ đô, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, để sớm trở thành hiện thực với hiệu quả cao.

TS. Nguyễn Quốc Triệu - Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Kỷ niệm 100 năm Thăng Long-Hà Nội.

Theo Hanoinet