Top

“Quên” lợi ích của nông dân bị thu hồi đất?

Cập nhật 06/07/2007 15:00

Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 năm từ 2001 đến 2005, để phát triển các khu công nghiệp, đô thị và công trình công cộng, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi là 366.440 ha.

Diện tích này chiếm gần 4% đất nông nghiệp đang sản xuất. Bình quân mỗi năm có 73.290 ha đất bị thu hồi.

Đáng quan tâm là, các vùng kinh tế trọng điểm chiếm đến 50% diện tích đất bị thu hồi trong toàn quốc: Tiền Giang 20.308 ha, Đồng Nai 19.752 ha, Bình Dương 16.627 ha, Quảng Nam 11.812 ha, Cà Mau 13.242 ha, Hà Nội 7.776 ha, Hà Tĩnh 6.391ha, Vĩnh Phúc 5.573ha.

Trong 16 tỉnh trọng điểm về thu hồi đất, có đến gần 90% diện tích là đất sản xuất nông nghiệp, và 11% diện tích là đất thổ cư.

Đền bù cho nông dân chưa tương xứng

Thu hồi đất để phát triển các khu công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng là quá trình tất yếu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có cả nông thôn, nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh một số thay đổi được ghi nhận như xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết một số lao động nông thôn..., thì còn rất nhiều vấn đề cần có tháo gỡ kịp thời, tránh gây bức xúc trong nông thôn.

Nổi cộm nhất là thời gian qua, nhiều nơi chỉ lo kêu gọi đầu tư, thậm chí như nhận xét của ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có lúc trở thành "phong trào" xây dựng khu công nghiệp, trải thảm đỏ bằng mọi giá mời đón nhà đầu tư, nên đã "quên" lợi ích của nông dân bị thu hồi đất.

Nông dân bị mất đất được đền bù không thoả đáng, không tương xứng với giá trị thật của đất, được đền bù đất ở những nơi vừa xa, vừa xấu, vừa không có hoặc thiếu thốn cơ sở hạ tầng, chẳng những khó về cuộc sống, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến học hành của con cái, khó làm ăn ổn định.

Trong cuộc hội thảo ngày 4/7/2007 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mâu thuẫn này đã được nhiều đại biểu chia sẻ. Thậm chí, việc cấp đất dịch vụ cho hộ nông dân bị mất đất cũng tuỳ tiện, mỗi nơi một hạn mức, Vĩnh Phúc thu hồi 360m2 thì cấp không quá 20m2 đất dịch vụ, Bắc Ninh hào phóng cấp theo tỉ lệ 10% đất bị thu hồi, nhưng có nơi không rõ ràng về việc này.

Những quy định này mới chỉ quan tâm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, của doanh nghiệp, mà không quan tâm đảm bảo quyền lợi của nông dân, vẫn coi việc giải quyết bất hợp lý là "nghĩa cử" đối với nông dân, mà không phải là trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết mỗi năm mất 73.000 ha đất nông nghiệp, 80% là đất ngon 2 lúa, bằng 1% diện tích lúa cả nước, trong khi mỗi năm dân số tăng 1,3%; nên chỉ cần mất mùa một vụ là xảy ra "vấn đề", như vụ đông xuân này bị mất 500.000 tấn thóc do thiên tai gây ra, đã làm giảm ngay tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp.

Tích cực chuyển nghề cho lao động nông nghiệp

Nghiên cứu tại 16 trọng điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết chỉ có 13% lao động nông thôn bị thu hồi đất được đào tạo, 20% lao động lúc có việc, lúc không có việc. Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất cho đến nay có 23% lao động nông thôn bị thu hồi đất được thu nhận vào làm việc ổn định trong khu công nghiệp.

Bộ cũng cho biết, 60% số hộ bị thu hồi đất vẫn sống chủ yếu vào nông nghiệp, 9% số hộ làm dịch vụ, 6% làm làm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 2% làm xây dựng, thương mại.

Trần Lê - Theo VnEconomy