Top

Đô thị Tây Bắc Củ Chi

Cập nhật 06/07/2007 14:00

Chủ trương xây dựng đô thị Tây Bắc Củ Chi (TPHCM) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ năm 2002. Từ đó cho đến nay, rất nhiều người dân thành phố băn khoăn về hình hài của đô thị này.

Chưa có quyết định cuối cùng nhưng những nghiên cứu hoàn tất trong giai đoạn 1 của tư vấn CPG Consultants PTE. LTD và Invescons CO. LTD (tư vấn Singapore được thành phố thuê làm quy hoạch) cũng cho ta hình dung được những nét chính của đô thị này.

Đô thị xanh với không gian xanh trong thành phố

Tương tự với đô thị mới Thủ Thiêm, đô thị Tây Bắc Củ Chi sẽ là một đô thị sinh thái hiện đại với hạ tầng kỹ thuật phát triển nhằm tạo ra một môi trường sống lành mạnh thân thiện theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, nếu Thủ Thiêm sẽ là một đô thị sinh thái với những mảng xanh và kênh rạch bao quanh, thì với Tây Bắc Củ Chi mảng xanh sẽ được bố trí đan cài "đậm đặc" trong các khu dân cư tạo nên một nét rất đặc trưng. Điều ấy đảm bảo cho sự phong phú đa dạng của TPHCM.

Nếu đô thị mới Thủ Thiêm cùng với trung tâm thành phố hiện hữu trở thành trung tâm của thành phố trong tương lai; đô thị cảng Hiệp Phước giúp thành phố tiến ra phía biển và phát triển kinh tế biển…, thì đô thị Tây Bắc Củ Chi sẽ là trung tâm vùng và cửa ngõ của vùng Tây Bắc thành phố có liên hệ với các vùng lân cận như Long An, Bình Dương, Tây Ninh… về chức năng giao thông, văn hóa… Đô thị Tây Bắc Củ Chi có diện tích khoảng 6.089 ha được giới hạn bởi quốc lộ 22, kênh Thầy Cai và tỉnh Long An và chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 30 km. So với những đô thị mới nêu trên, đô thị Tây Bắc Củ Chi có diện tích lớn hơn cả. Theo Quyết định 132/1990 về phân loại và phân cấp quản lý đô thị, đô thị Tây Bắc Củ Chi có thể được xếp vào đô thị loại 3.

Động lực phát triển của đô thị Tây Bắc Củ Chi là các ngành công nghiệp sạch, trung tâm khoa học, đào tạo, văn hóa… Dự kiến tại đây sẽ hình thành các trung tâm giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước với diện tích rộng đến 700 ha thu hút đến 70.000 lao động; các khu công nghiệp rộng gần 550 ha có khả năng tạo ra hơn 70.000 việc làm; các lĩnh vực khác cũng có thể tạo thêm 140.000 việc làm…

Đô thị đa trung tâm

Hai trung tâm lớn cấp vùng và ba trung tâm nhỏ cấp vùng dự kiến sẽ được hình thành trong đô thị Tây Bắc Củ Chi. Theo đó, hai trung tâm lớn dự định được xây dựng như một cặp song sinh nằm ở phía bắc dọc quốc lộ 22, trong đó một trung tâm tại huyện lỵ Củ Chi đóng vai trò trung tâm văn hóa, lịch sử của vùng, trung tâm còn lại nằm chếch xuống phía Đông Nam 5 km: Bàu Sim sẽ được tập trung phát triển thương mại, tài chính và dịch vụ phục vụ cho toàn vùng. Ba trung tâm nhỏ cấp vùng: cửa ngõ Ấp Giưa, trung tâm đô thị đại học An Hạ và trung tâm cảng thành phố. Dự kiến, trung tâm cửa ngõ Ấp Giưa sẽ đánh dấu điểm bắt đầu của đô thị Tây Bắc Củ Chi. Nếu đi từ trung tâm thành phố lên, bạn sẽ được chào đón vào đô thị Tây Bắc Củ Chi ở cửa ngõ này. Trung tâm đô thị Đại học An Hạ sẽ nằm về phía cực Nam của đô thị về phía Hóc Môn. Trung tâm này sẽ phục vụ cho làng đại học, huyện Hóc Môn và khu công nghiệp Đức Hòa 2 của tỉnh Long An. Đây sẽ là nơi cộng hưởng giáo dục và kinh tế toàn vùng. Trung tâm đô thị cảng là nơi hội tụ các hoạt động vận tải đường sông và cảng sông. Mỗi trung tâm sẽ bao gồm nhiều khu dân cư. Diện tích mỗi khu dân cư sẽ dao động trong khoảng 3-5 ha với một trung tâm công cộng có nhiều tiện ích xã hội cơ bản. Một nhóm 4-7 khu dân cư sẽ tạo thành một trung tâm. Trung tâm nhỏ có diện tích khoảng 30-50 ha và trung tâm lớn khoảng 70 ha. Đặc điểm của các khu dân cư sẽ dựa trên đặc điểm văn hóa, phong cảnh sẵn có. Các công trình xây dựng ở đây sẽ là sự kết hợp giữa nhà cao tầng và nhà thấp tầng tùy theo các khu vực lân cận. Các khu nhà thấp tầng với mật độ xây dựng thấp sẽ được ưu tiên chọn ở các khu vực công viên sinh thái, cây xanh, hồ nước… Các khu nhà cao tầng với mật độ xây dựng cao sẽ được ưu tiên ở các trung tâm vùng - nơi tập trung dân cư và các hoạt động thương mại, dịch vụ. Các khu công nghiệp sạch sẽ được hình thành ở đô thị Tây Bắc Củ Chi nhưng không quá gần hay quá xa khu dân cư để đảm bảo việc đi làm thuận tiện của người dân. Dự kiến sẽ có khoảng 300.000 người dân sinh sống tại đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Bốn giai đoạn phát triển

Các dự án đã được phê duyệt sẽ được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đầu tiên-giai đoạn được các tư vấn Singapore gọi là "hạt giống". Theo cách sắp xếp này thì sẽ có hơn 10 dự án được thực hiện sớm: sân golf 36 lỗ, trường đại học quốc tế, Đại học Mekong, Đại học Y Dược TPHCM, khu dân cư dọc tỉnh lộ 8… Giai đoạn thứ 2 mang tên "tạo nhân" sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng giai đoạn 1 và thực hiện một số dự án: công viên vui chơi, giải trí, đại học công nghiệp, đại học mở, cao đẳng văn hóa, nghệ thuật, bảo tàng, viện văn hóa… Giai đoạn 3 "cái đầu": trong giai đoạn này những khu dân cư lớn sẽ được xây dựng làm cho toàn khu đô thị Tây Bắc Củ Chi thực sự "trưởng thành". Dự kiến 2 khu dân cư sẽ được xây dựng: khu dân cư phía Bắc Khu công nghiệp Tân Phú Trung rộng 356 ha, khu dân cư phía Nam công viên chủ đề rộng 536 ha. Giai đoạn cuối cùng: "khối óc": đây là giai đoạn xây dựng hoàn thiện. Dự kiến các dự án chính có thể triển khai trong giai đoạn này là các dự án thương mại, trung tâm công cộng gần quốc lộ 22, chung cư cao tầng dọc quốc lộ 22, trung tâm vùng, kho tàng, bến bãi… Song hành với việc phát triển các khu dân cư, trường học là việc hình thành mạng lưới giao thông. Dự kiến quốc lộ 22 là tuyến huyết mạnh đường bộ của đô thị Tây Bắc Củ Chi. Kênh Thầy Cai và An Hạ là 2 kênh giao thông thủy chính cả ở trong và kết nối ra ngoài của đô thị Tây Bắc Củ Chi. Trên kênh Thầy Cai còn có một cảng sông và trung tâm du thuyền phục vụ cho việc lưu thông hàng hóa và du lịch

NGUYỄN KHOA
Theo Sài Gòn Gải Phóng