Có thể TPHCM sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên-Môi trường cùng vào cuộc để tháo gỡ.
Mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7- TPHCM) liên quan đến việc nộp tiền sử dụng đất (SDĐ) đã được đẩy lên đỉnh điểm khi Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng (Công ty PMH) ra thông báo (ngày 30-10) tạm ngưng các cuộc đối thoại để chờ UBND TPHCM đưa ra hướng xử lý cuối cùng. Tuy nhiên, trao đổi với Báo NLĐ, một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) - đơn vị được UBND TP giao nhiệm vụ nghiên cứu hướng giải quyết, cho biết vụ việc đã vượt khỏi tầm xử lý của TP.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo công văn kiến nghị do ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty PMH, ký gửi thường trực UBND TP, hiện có 88 hồ sơ đã nộp xin cấp giấy chủ quyền vào tháng 12-2008 còn đang tồn đọng tại Ban Quản lý khu Nam TP có thể gây ra những tranh chấp, khiếu nại gay gắt. Nguyên nhân việc tồn đọng là do giữa hai bên đang phát sinh tranh chấp, Công ty PMH buộc khách hàng phải ký thêm một hợp đồng khác ngoài hợp đồng mua bán nhà đã có với công ty vì các hợp đồng công chứng được thực hiện vào năm 2009 nên các trường hợp này rơi vào tình huống có thể bị áp giá đất khá cao của năm 2009 (tăng từ 100% đến 300% so với năm 2008 - PV) hoặc có thể năm 2010. Do vậy, Công ty PMH kiến nghị cho phép các trường hợp này được đóng tiền SDĐ theo khung giá đất năm 2008...
Ngoài ra, Công ty PMH còn đưa ra kiến nghị xem xét cho phép số khách hàng đã ký hợp đồng với đơn vị từ năm 2009 trở về trước được áp dụng giá tiền SDĐ tại thời điểm ký hợp đồng. Do việc này UBND TP đã có tiền lệ giải quyết khi cho phép các khách hàng giao dịch với đơn vị trước thời điểm ngày 15-4-2004 được đóng tiền SDĐ 26.000 đồng/m².
Những kiến nghị do Công ty PMH đưa ra có phần hợp lý cho khách hàng do tiền SDĐ phải nộp sẽ giảm. Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý đất đai nhận định, kiến nghị đó là không hợp lý bởi theo các quy định pháp luật hiện hành, thời gian để xác định khoản tiền SDĐ phải nộp chính là thời điểm nộp hồ sơ tại cơ quan thuế chứ không thể là tại thời điểm giữa công ty và khách hàng ký kết hợp đồng mua bán. Nếu giải quyết cho 88 trường hợp này sẽ tạo ra sự không công bằng cho hàng ngàn trường hợp khác đã mua bán, chuyển nhượng nền đất, căn hộ từ những năm trước vì nhiều lý do nay mới nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều khách hàng phản ánh lỗi của việc chậm trễ cấp giấy chủ quyền không chỉ từ họ, chính sách mà còn từ phía Công ty PMH. Bởi PMH quy định mỗi trường hợp khi chuyển nhượng, mua bán theo dạng hợp đồng thì khách hàng phải nộp một khoản phí từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/trường hợp. Do đó nếu nhà đất đã ra giấy chủ quyền thì Công ty PMH không thể lấy cớ gì thu khoản lệ phí trên. “Phải chăng vì nguồn thu khổng lồ từ khoản lệ phí này mà PMH đã lơ trách nhiệm hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chủ quyền và duy trì hình thức mua bán, chuyển nhượng bằng hợp đồng cho khách hàng nên dẫn đến hệ quả khi giá đất tăng lên thì người dân lãnh đủ?”- ông Nguyễn Quốc Công, một cư dân khu đô thị PMH, đặt vấn đề.
Cách tính tiền sử dụng đất sai?
Ngoài ra, Sở TN-MT cho biết cách tính đóng tiền SDĐ ở khu đô thị PMH hiện được áp theo điều 4 Nghị định 198: “Căn cứ để tính thu tiền SDĐ là diện tích đất, giá đất và thời hạn SDĐ. Diện tích đất tính thu tiền SDĐ là diện tích đất được Nhà nước giao, được phép chuyển mục đích sử dụng, được chuyển từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền SDĐ, được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ. Còn giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất theo mục đích SDĐ được giao tại thời điểm giao đất do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ban hành...”.
Do đó, theo quan điểm của Sở TN-MT, rất có thể cách tính tiền SDĐ như trên là sai bởi người dân PMH góp tiền mua căn hộ đã tính cả chi phí xây hạ tầng và tiền thuê đất. Nay Nhà nước thu tiền SDĐ từ người dân thì chẳng khác nào bắt họ trả tiền cho 3 mục đích: xây hạ tầng, thuê đất và sử dụng đất. Chưa kể, khung giá đất áp dụng hiện cũng chưa thật hợp lý bởi khi đất chuyển đổi từ vùng đầm lầy sang khu đô thị khang trang như hiện nay, trong giá đất đã có thêm chi phí đầu tư của chủ đầu tư, chi phí lãi vay, lợi nhuận của việc đầu tư, giá trị gia tăng từ việc đầu tư hạ tầng... Nay buộc người dân nộp 100% khoản tiền khi đô thị đã phát triển hoàn chỉnh như vậy là chưa hợp lý!?
Trước sự việc này, Sở TN-MT cho biết có thể sẽ kiến nghị UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ TN-MT cùng vào cuộc để tháo gỡ.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động