Khi hoàn thành đường nối từ cầu Nhật Tân đến Nhà ga T2, khoảng cách từ Hà Nội tới Sân bay Nội Bài giảm một nửa. Ảnh: Đức Thanh |
Dài 12 km, với 6 làn xe, Dự án xây dựng đường nối từ cầu Nhật Tân đến Nhà ga T2 Nội Bài sẽ là tuyến giao thông “đối ngoại” mới cho Thủ đô Hà Nội.
Đó là khẳng định mới đây của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng tại buổi họp thông qua báo cáo đầu tư Dự án xây dựng đường nối từ cầu Nhật Tân đến Nhà ga T2 Nội Bài.
Theo chủ đầu tư công trình (Bộ Giao thông - Vận tải), Dự án đường nối cầu Nhật Tân với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có tổng vốn đầu tư lên tới 5.650 tỷ đồng, được chia thành 2 tiểu dự án (Tiểu dự án 1 từ Km 0+00 đến Km 7+850, Tiểu dự án 2 từ Km 7+850 đến Km 12+200).
Dự án này sẽ cùng Dự án cầu Nhật Tân và Dự án Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài hình thành một cụm công trình hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, cảnh quan, phục vụ lâu dài cho nhu cầu đi lại của nhân dân.
Được thiết kế với bề rộng cắt ngang lên tới 100 m, dự kiến trong giai đoạn I, tuyến đường sẽ gồm 6 làn xe cao tốc rộng 32 m ở giữa và 2 đường gom mỗi bên rộng 7,5 m.
Không chỉ rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian từ trung tâm Thủ đô, tuyến đường tương lai này sẽ là tuyến đối ngoại chính của Thủ đô Hà Nội trong việc đón, đưa các đoàn khách ngoại giao. Được biết, quãng đường đi từ Quảng trường Ba Đình lên Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài theo tuyến mới chỉ dài 15 km, so với đường Thăng Long - Nội Bài dài tới 30 km.
Liên quan tới công tác tổ chức giao thông tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tổ chức giao thông tại đây thành hai nhánh, phục vụ nhu cầu đi lại theo hai hướng (hướng từ cầu Nhật Tân và hướng từ cầu Thăng Long đi lên).
“Trước mắt, tiến hành đầu tư hướng đi từ cầu Nhật Tân lên. Trong bước thực hiện, chú ý vẫn giữ nút hiện tại để đảm bảo giao thông bình thường, thi công các phần mới trước, sau đó tổ chức khớp nối.
Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc cần đảm bảo giao thông khi phá dỡ cầu cũ để thực hiện khớp nối”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói và lưu ý thêm rằng, cần hạn chế đến mức thấp nhất việc bổ sung các cống chui dân sinh và tính kỹ vị trí đặt trạm thu phí đối với Tiểu dự án 1.
Về tiến độ thực hiện, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Ban quản lý Dự án 85 chỉ đạo Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) đẩy nhanh công tác thiết kế để có thể ký hiệp định vay vốn trong tháng 3/2010, phấn đấu khởi công công trình vào quý III/2010.
Để thực hiện đồng bộ tuyến đường này với Nhà ga T2 Nội Bài, công tác giải phóng mặt bằng cho cả 3 dự án: đường nối từ cầu Nhật Tân đến Nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân và Nhà ga T2 đang được Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP. Hà Nội phối hợp với địa phương và các cơ quan hữu quan của của Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện.
Được biết, Bộ Giao thông - Vận tải vừa có Văn bản số 3686/BGTVT gửi Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải, kiến nghị về phương án huy động vốn cho 2 tiểu dự án của Dự án đường nối cầu Nhật Tân đến Nhà ga T2 Nội Bài. Theo đó, Tiểu dự án 1 (từ điểm cuối Dự án cầu Nhật Tân đến điểm đầu đường nội bộ Sân bay Nội Bài hiện tại dài 7,85 km, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.250 tỷ đồng) sẽ sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), dự kiến xem xét vào cuối tài khóa 2009.
Với Tiểu dự án 2 (đường nội bộ trong sân bay đến nút giao Quốc lộ 2, hiện tại dài 4,25 km, có tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng), do JICA từ chối phương án sử dụng vốn vay ODA với Tiểu dự án 1, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dùng vốn ngân sách để Dự án có thể hoàn thành cùng thời điểm với Dự án Nhà ga T2 Nội Bài (năm 2013).
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư