Top

Vấn nạn “đô thị - phòng ngủ” ở khu đô thị mới

Cập nhật 19/12/2009 13:45

Ảnh minh họa (Internet)

Trong hơn 700 khu đô thị mới được đưa vào sử dụng, không nơi nào xây dựng hoàn chỉnh các công trình dịch vụ công cộng phục vụ đời sống tối thiểu của cư dân

“Hệ thống dịch vụ công cộng đô thị là thước đo chất lượng sống. Nếu nhìn vào thước đo này, trong khi chưa có giải pháp khả dĩ nhằm ổn định mạng lưới dịch vụ công cộng đô thị cũ, VN đã phải đương đầu với hiện tượng xây dựng các khu đô thị mới (KĐTM) kiểu “đô thị – phòng ngủ” từ khắp nơi có quỹ đất nông nghiệp”. Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị đã tán thành nhận định này tại hội thảo về hệ thống dịch vụ công cộng đô thị, do Tổng hội Xây dựng VN tổ chức ngày 18-12, ở Hà Nội.

“Bộ mặt các khu trung tâm ở những TP lớn như Hà Nội, TPHCM... đang bị tàn phá nặng nề làm cho nguy cơ phá vỡ cấu trúc đô thị hiện hữu thêm trầm trọng” - kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hồng Thục (Hội Kiến trúc VN) bức xúc.

Theo KTS Ngô Huy Giao (Hội Kiến trúc VN), Bộ Xây dựng vừa tặng danh hiệu “Khu đô thị kiểu mới” cho KĐTM Linh Đàm - Hà Nội. Tuy nhiên, nếu được phép, ông sẽ bỏ phiếu trắng. Ngay cửa ngõ Linh Đàm là khu chợ hết sức tạm bợ. Tại KĐTM này, nhà ở, nhất là khu tái định cư, đang diễn ra cảnh “chợ ngay trong căn hộ”, chợ cóc leo lên cầu thang nhà, căn hộ biến thành quầy hàng... Còn tại Trung Hòa – Nhân Chính, KĐTM hiện đại, đồng bộ và đắt tiền nhất Hà Nội hiện nay, ông Giao cũng ngán ngẩm: “Khi thiết kế, tôi đề nghị xây tầng hầm để xe nhưng chủ đầu tư không nghe. Người dân ở đây và khách đến không có chỗ để xe, tất yếu hình thành những sân giữ xe tự phát lấn chiếm vỉa hè, sân vườn”.

Kể từ KĐTM đầu tiên - Linh Đàm - ra đời cách nay hơn 10 năm, cả nước hiện đã có hoặc đang triển khai khoảng 1.400 dự án nhà ở và KĐTM. Trong đó, Hà Nội có khoảng 180 dự án, TPHCM gần 800 dự án. “Trong số hơn 700 KĐTM được đưa vào sử dụng, không nơi nào xây dựng hoàn chỉnh các công trình dịch vụ công cộng phục vụ đời sống tối thiểu của cư dân đã làm cho hoạt động của đô thị tại chỗ thực sự bế tắc” – KTS Nguyễn Hồng Thục nhận xét.

Theo KTS Thục, các dự án KĐTM phần lớn vẫn là “đô thị – phòng ngủ” do các nhà đầu tư nhỏ lẻ với kiểu đầu tư nông cạn, chỉ đủ sức chia lô bán nền nhà ở. Sáng ra, toàn bộ dân cư ở các KĐTM này lên đường làm việc, đến trường học, bệnh viện, đi chợ, giao dịch... ở các trung tâm đô thị cũ. Chiều tối, dòng người này lại trở về, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm khói xe... Chưa kể nạn mua bán tại các vỉa hè khiến đô thị thật sự hỗn độn.

Theo KTS Nguyễn Hồng Thục, cần có sự hoạch định từ khâu quy hoạch, thực thi quy hoạch, rà soát và hỗ trợ chính sách cho những nhà đầu tư bất động sản thực sự bền vững, để làm sao đưa được dịch vụ công cộng vào đô thị, tức đưa các sản phẩm tốt ra thị trường. Nếu không, mãi mãi không có bộ mặt trung tâm cho KĐTM.

PGS-TS Vũ Thị Vinh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị VN, cho rằng phải ràng buộc chủ đầu tư xây dựng các nhà trẻ và trường tiểu học như một điều kiện để được giao nhận làm dự án KĐTM. Do thu nhập thực tế của người dân vẫn còn thấp cùng với tập quán thích ăn đồ tươi, bên cạnh các siêu thị phải có chợ cho mỗi KĐTM để người dân mua bán thức ăn hằng ngày...
 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động