Top

Dân đô thị mất... "chỗ thở"

Cập nhật 19/12/2009 08:10

Hiện nay, ở nhiều đô thị đang có tình trạng vỉa hè không còn chỗ đi bộ, người già, trẻ em - nhất là người nghèo - bị gạt ra khỏi nhiều sân chơi, không gian công cộng.

Vườn hoa Hàng Đậu (Hà Nội) là một trong số khu công cộng không hàng rào, không thu phí dành cho người già, trẻ em thư giãn, vui chơi và hít thở khí trời - Ảnh: Tuấn Phùng


Đó là hàng loạt bất cập đã được chỉ ra tại hội thảo quy hoạch và sử dụng đất công cộng trong đô thị do Tổng hội Xây dựng VN, Hội Kiến trúc sư VN, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng tổ chức ngày 18-12 tại Hà Nội. Nguyên nhân là do đất công đã bị biến thành đất thương mại, nhiều khu đô thị không dành chỗ chơi chung cho mọi người.

Nhà càng cao, đường càng kẹt

Theo chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN Trần Ngọc Hùng, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các đô thị hiện nay không chỉ do ôtô, xe máy tăng nhanh mà còn do việc cấp phép ồ ạt các khu văn phòng, khách sạn, nhà ở cao tầng, siêu thị... vào trung tâm đô thị cũ vốn đã quá tải. Đồng thời còn do quy hoạch các khu trung tâm đô thị không hạn chế số nhà cao tầng. Hàng loạt nhà máy, kho tàng trong nội ô được giải tỏa, đất lẽ ra phải dành cho vườn hoa, cây xanh thì nay lại “cắm” vào đó các siêu thị, trung tâm buôn bán và khách sạn, nhất là Hà Nội và TP.HCM.
 

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, trên 700 khu đô thị mới đưa vào sử dụng trong cả nước, không nơi nào xây dựng hoàn chỉnh các công trình dịch vụ công cộng đời sống tối thiểu như chợ, trường học, hành chính dân cư, công trình hạ tầng xã hội, công viên, phòng khám. Điều này đã làm hoạt động của đô thị tại chỗ thật sự bế tắc.

 

TS Nguyễn Ngọc Hiếu - Học viện Hành chính - nhận xét nhiều khu vực đất công cộng ở đô thị chưa quản lý hiệu quả, đang bị xâm hại, sử dụng sai mục đích. Không gian công cộng của nhiều khu chung cư cũ tại Hà Nội xây dựng từ thế kỷ trước như Giảng Võ, Thanh Xuân, Trung Tự, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ đều ít nhiều có tình trạng “làm ngơ” trước các hành vi xâm hại.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển Trần Trung Chính chỉ rõ mấu chốt chính là đất công cộng quyết định chất lượng đô thị, nhưng việc xâm lấn đất công cộng nhức nhối đến mức mọi mảnh vỉa hè của đô thị cũng bị lấn chiếm. Ở thành phố nhưng người dân không thể đi bộ, công trình không có không gian công cộng như một cách loại bỏ người già, trẻ em...

Còn về tình trạng úng ngập ở các đô thị, theo ông Trần Ngọc Hùng, cũng không phải do đường cống cũ, mưa quá to, do triều cường... mà trước hết do chính các nhà quy hoạch đã cấp phép hàng loạt dự án lấp ao hồ, ruộng, nước sông ngòi quanh các đô thị. Ông Trần Trung Chính cho rằng những tình trạng xấu đã nêu đều có phần thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước.

Trả lại đất công cho cộng đồng

Trước thực trạng trong thời gian qua nhiều trụ sở công đã bị đem cho tư nhân thuê, chợ chuyển thành siêu thị, các công trình công cộng bị “biến hóa công năng” cho các nhà đầu tư khai thác, kiến trúc sư Trần Thanh Vân cho rằng “khái niệm ăn ở” giờ đã khác. Đất đai đang bị tận dụng vào nhiều dự án kinh doanh có lãi. Cứ tưởng nhiều tiền là sống ngày một khá hơn, thực chất cuộc sống đang suy thoái, các bệnh do stress đô thị gây nên sự thay đổi tâm lý, các bệnh như tâm thần, ù tai, đau mắt hột, viêm phế quản cũng nhiều hơn.

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân thẳng thắn nêu: “Chuyện đất công viên Thống Nhất suýt bị lấy xây khách sạn là vấn đề nghiêm trọng. Không chỉ vì khu đất vàng này gợi lòng tham của nhà đầu tư mà nhận thức kém cỏi của nhà quản lý, cấp chính quyền cũng là hậu thuẫn lớn cho lòng tham này biến thành hiện thực”.

Theo chuyên gia tư vấn phát triển đô thị Nguyễn Thị Hiền, chính quyền cần cân nhắc loại bỏ những rào cản bao bọc các khu công viên công cộng để bán vé vào cửa. Vì dù thu tiền ở bất cứ giá nào cũng bị coi là rào cản đối với người muốn sử dụng không gian công cộng hằng ngày, nhất là người nghèo, người nhập cư. Có như vậy không gian công cộng mới thật sự mang ý nghĩa phục vụ cộng đồng. Bà Hiền còn đề xuất cần nhân rộng những điểm vui chơi như công viên Tao Đàn (TP.HCM), vườn hoa Hàng Đậu (Hà Nội)...

Còn TS.KTS Khuất Tuấn Hưng cho biết đi qua các khu đô thị mới “bình dân” của thủ đô như Mỹ Đình, Mễ Trì Hạ, Trung Yên, Linh Đàm, Đại Kim... đều thấy vắng bóng sân chơi dành cho trẻ em. Duy nhất ở khu đô thị mới Định Công, dưới chân các tòa nhà tái định cư NƠ4A, NƠ4B và NƠ4C có vài cái đu quay và bập bênh, nhưng theo giải thích của một số cư dân ở đây là lắp vào để cho thanh niên khỏi đá bóng.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Bộ Xây dựng cần trình Chính phủ nghị định về quy hoạch cải tạo chỉnh trang khu đô thị cũ. Trong đó quy định tăng diện tích các công trình công cộng từ hệ thống hạ tầng cơ sở đến các công trình phục vụ vui chơi giải trí công cộng. Đặc biệt, khi thu hồi, di chuyển nhà máy, kho xưởng phải dành toàn bộ cho các công trình công cộng, hạn chế các công trình cao tầng và ưu tiên mở rộng hè lối đi cho người đi bộ.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO